Thằng con trai 4 tuổi của tôi hôm qua đang trong bữa ăn tối liền làm một câu “Tao là cung Bọ cạp…” khiến cả bà nội bà ngoại lẫn tôi lẫn vợ tôi đều “đứng hình”. Trời ạ, nó học ở đâu cái câu này, khi mà cả nhà tôi đều hạn chế đến mức tối đa các loại iPhone, iPad, không cho cu cậu vào mạng “xem Du tút”. Hỏi ra thì con bảo ở lớp, rồi ra sân chơi, các anh chị nói câu này nhiều lắm nên con học theo.
Giờ tôi đã phải lo ăn uống sao cho ăn sạch, ăn những thứ không nguy hiểm, mà đến cả cái môi trường sống cũng bị “ô nhiễm” bởi những thứ “rác” từ trên mạng “bay” ra thế này, cũng lại phải lo hạn chế không thì tiêm nhiễm vào con.
Cái thời gì cũng lên “phây”, mà cứ cái gì online Facebook thì lan tỏa một cách kinh khủng khiếp.
Cái gì cũng lên 'phây' thế này thì hỏng cả một thế hệ. (Ảnh minh họa) |
Hai bạn trẻ chưa đủ 18 tuổi hẹn đánh nhau, hẹn giải quyết thù hận trên “phây”. Thế là thành “có biến”, lũ trẻ lũ lượt kéo nhau đi “hóng biến”.
Trời ạ, không phải một hai đứa, không phải chục đứa, mà những cả nghìn đứa trẻ, những đứa nhóc có lẽ còn chưa ý thức hết được hành vi của mình, chỉ toàn 14-15 tuổi, đã đủ tuổi vị thành niên đâu.
Con người ai cũng có tính tò mò, và bọn nhóc thì lại càng tò mò, hiếu thắng, thích tụ tập đông vui bạn bè, thích đám đông xôm tụ. Khi chúng ta ở tuổi ấy, thì cũng có tâm lý ấy thôi. Nhưng sao cái đám trẻ ấy đông thế, cả nghìn đứa cùng lúc đổ ra “hóng” mà chả cần một ai đứng lên kêu gọi.
Bọn trẻ giờ rảnh việc thế sao, các em không có sân chơi nào ý nghĩa hơn à, không có thứ việc gì ý nghĩa hơn nữa sao mà cả một đám đông chỉ ra để hóng một vụ hẹn đánh nhau. Bọn trẻ hóng để làm gì? Để lại chụp ảnh, quay clip, check-in, tự sướng và “ắp phây” thôi sao?
Điều này mang lại cái gì, giúp bọn trẻ thể hiện được gì? Có giúp lũ trẻ lớn hơn lên về nhận thức được không, khi các em đều đang sắp đến tuổi trưởng thành.
Mới đây, một vụ hiếp dâm rồi giết người vừa xảy ra, rất đau lòng. Nạn nhân là một em gái mới 13 tuổi. Thủ phạm là ai, một nam sinh mới 17 tuổi. Vụ án xảy ra ngay trong khách sạn, khi mà các em đang trong một chuyến du lịch tham quan học tập.
Tôi tự hỏi, cậu học sinh ấy liệu có nhận được sự giáo dục đầy đủ ở nhà trường hay không, có nhận được sự giáo dục đầy đủ ở cha mẹ hay không? Có lẽ là có, nhà trường thầy cô nào cũng muốn học sinh của mình học tập kiến thức và rèn luyện đạo đức, bố mẹ nào cũng dành tình yêu thương và mong con mình nên người.
Tôi cũng tự hỏi, cậu học sinh này có phải một cư dân mạng hay không, có xem-nghe-nhìn được thứ độc hại nào trên mạng hay không? Tôi chắc rằng có, em mới chỉ là một cậu học sinh thôi mà, em đâu phải một tên giang hồ máu lạnh, đâu phải kẻ dám làm những hành vi đồi bại. Em chắc chắn không được dạy những thứ ấy từ gia đình và nhà trường, hành động của em, phải chăng là do bị tiêm nhiễm những cái xấu từ một nguồn nào đó.
Ngày trước chúng tôi đi học, tôi nhớ rất rõ rằng có một cô giáo rất nghiêm khắc, cô thỉnh thoảng vẫn gọi chúng tôi là “lũ chúng mày”. Cô vẫn hay mắng chúng tôi, vì bọn tôi là những thằng trẻ con rất nghịch ngợm. Nhưng chính từ những lời mắng mỏ ấy, mà chúng tôi trưởng thành lên.
Cô gọi “chúng mày”, nhưng cô thương yêu chúng tôi như con, cô mắng nghiêm khắc nhưng không bao giờ mạt sát, xúc phạm học trò. Cô mắng chúng tôi rồi cô lặng lẽ ra một góc để lau nước mắt vì thương chúng tôi. Giờ cô đã già, chúng tôi đã lớn khôn, mỗi lần về thăm cô, cô lại cười tươi đón chúng tôi bằng câu: “Chúng mày lại về thăm cô đấy à, cô vui lắm”.
Thời của chúng tôi không có “phây”, không có những cô giáo kiểu “cô giáo bọ cạp” như bây giờ, không có kiểu cái gì cũng thành clip trên mạng.
Cứ cái gì cũng lên phây, cái gì cũng hóng, cái gì cũng lan truyền, lây lan một cách kinh khủng khiếp như thế này, những cái xấu xa phản giáo dục cứ được chia sẻ, thẩm thấu vào cuộc sống như thế này, thì liệu rằng có “hỏng cả một thế hệ” hay không đây?
Thời “anh hùng bàn phím” – kẻ sát nhân giấu mặt
Vì những phát xét lạnh lùng, cay nghiệt của “anh hùng bàn phím”, có người đã phải tìm đến cái chết. |