Sỏi thận là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người trưởng thành chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Sỏi thận là do kết quả của sự kết tủa một số chất chứa trong nước tiểu. Có nhiều yếu tố gây sỏi thận như nhiễm độc, một số thực phẩm, một vài loại thuốc (thuốc chứa canxi, vitamin C,…).
Dấu hiệu nhận biết bị sỏi thận
Đau
Đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu, cũng có khi đau xuyên cả ra hông, lưng, có khi buồn nôn và nôn. Đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa và thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.
Đái máu
Là biến chứng thường gặp của sỏi thận – tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái máu.
Đái buốt, đái rắt, đái mủ
Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, nó tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi
Sốt
Người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận – bể thận cấp.
Cách phòng ngừa sỏi thận
Uống nhiều nước: đây là cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả, an toàn và rẻ tiền nhất. Mỗi ngày nên uống khoảng từ 2,5 – 3 lít nước lọc hoặc ăn uống làm sao để có lượng nước tiểu đạt được trên 2,5 lít trong một ngày.
Hạn chế thực phẩm có nhiều chất oxalat: như bia đen, trà đen, sôcôla, đậu nành, đậu phộng, củ cải, cà rốt, táo, mận, dừa, dứa, đào, hành tây…
Ăn lạt, ăn ít thịt động vật: không nên ăn mặn, ăn nhiều thịt. Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất calcium và cystine, gây ra sỏi.