Dưới đây là 3 cách nhìn người ai cũng nên biết:
1. Dùng thời gian để nhìn người
Có những người để lại ấn tượng rất sâu sắc cho bạn dù chỉ mới gặp lần đầu, và thường bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi ấn tượng đó khi đánh giá về tính cách của họ. Ấn tượng ban đầu chưa chắc đã chính xác, vì một người khi gặp ai đó lần đầu tiên đều có sự chuẩn bị nhất định và không tiết lộ mấy về con người thật của họ.
Người xưa có câu “Thức đêm mới biết đêm dài” – đối với con người cũng vậy. Phải cần có thời gian tiếp xúc, suy ngẫm, chúng ta mới có thể có cái nhìn khái quát về ai đó. Dùng thời gian, bạn sẽ nhìn ra được những kiểu người sau đây:
Người giả tạo: Những người này lúc đầu nhiệt tình, sau đó lại thờ ơ. Lúc đầu thân thiện, sau đó lại lạnh lùng. Có thể hiểu thái độ ban đầu của họ chỉ là “vỏ bọc” xã giao, chứ thực tế họ không mấy chân thành với bạn.
Người không trung thực: Thời gian chính là vũ khí mạnh mẽ nhất để những lời nói dối dần dần được hé lộ. Đừng chỉ tin vào lời nói ban đầu của họ, mà hãy để thời gian kiểm nghiệm xem thực tế khớp với lời họ nói được bao nhiêu
Người chỉ biết nói mà không biết làm: Loại người này nói một đằng làm một nẻo, thường chỉ với mục đích làm đẹp lòng người khác lúc ban đầu còn sau đó cứ việc mình mình làm. Những lời hứa hẹn của họ nghe thỉ rất hoành tráng, nhiệt thành, nhưng rồi hành động cứ trôi dần vào quên lãng nếu bạn không để ý.
Dùng thời gian để nhìn người, nguyên tắc chính là bình tĩnh chứ không vội vã phán xét bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
2. Nhìn người bằng đánh giá đa chiều
Để hiểu ai đó cần thời gian, nhưng trong trường hợp không có thời gian thì sao? Bạn có thể vận dụng nhìn người bằng cách lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.
Thứ nhất, hãy chú ý đến những điểm tương đồng trong nhận xét của mọi người về người đó. Mỗi người có thể có những cái nhìn khác nhau khi đánh giá một người, nhưng nếu nhiều người cũng nói những điều tương tự về anh ta, bạn có thể rút ra tính cách chủ yếu của anh ta là như vậy, hay ít nhất cách anh ta thể hiện chủ yếu ra bên ngoài là như vậy.
Thứ hai, hãy chú ý đến chính những người hay làm việc và tiếp xúc với anh ta. Thường thì những người thân thiết được với nhau nhất định phải có điểm chung. Có thể họ nói tốt về anh ta, nhưng bản thân họ không phải là người “tử tế” – thì bạn cũng có thể dựa vào đó để cảm thấy cần cẩn trọng hơn với con người này.
Thứ ba, cách họ cư xử với những đối tượng xung quanh khác nhau như thế nào? Với người lạ (nhân viên trông xe, phục vụ bàn, hàng xóm…), với gia đình (anh chị em, vợ chồng), với đối tác (đồng nghiệp) có nhất quán với nhau không?
Từ những đánh giá đa chiều này, dù ít thời gian, bạn cũng có thể nhìn ra phần nào tính cách con người này.
3. Nhìn người bằng những mong muốn, mục đích hành động của người đó
Con người trong xã hội hiện đại dường như ngày càng phải đeo thêm nhiều mặt nạ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng dù bạn có cố gắng trở thành ai, thì bản chất của bạn cũng không thể thay đổi. Và cũng giống như người đói sẽ muốn ăn, người tham sẽ muốn tiền tài, người hám hư vinh sẽ thích hư vinh,… con người sẽ không thể giấu được bản thân mình trong những mong muốn mà họ thể hiện.
Cách nhìn người này thực hiện chủ yếu bằng quan sát họ trong những tình huống bất ngờ, cụ thể. Bạn hãy tự đặt câu hỏi xem mục đích hành động của họ là gì. Một người có thể cười nói, thân thiện, thích giúp người nhưng lựa chọn người để giúp, thì rất có thể họ có động cơ khác.
Khi đứng trước thứ mà mình mong muốn có được, không phải ai cũng biết kiềm chế bản thân. Kẻ háo sắc đứng trước người đẹp, kẻ mê cờ bạc đứng trước cá độ, đánh cược, kẻ tiểu nhân đứng trước cơ hội,… đều rất khó giấu đi bản chất của mình.
Tóm lại, nhìn người là một kĩ năng bạn cần rèn luyện để có được những quyết định đúng đắn trong các mối quan hệ. Điểm chung của các cách nhìn người là dựa vào hành động, cử chỉ. Lời nói có thể nói dối, nhưng cơ thể không nói dối, bạn nhớ nhé.