30% dân Hà Nội đang không có nước sạch để dùng sau khi đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 13 vào rạng sáng ngày 13.8. Đến nay, đường ống này đã cấp nước trở lại, nhưng phải giảm áp vì sợ sẽ vỡ tiếp, nên lượng nước thiếu hụt lan diện rộng. Cho đến chiều tối ngày 18.8, rất nhiều khu dân cư vẫn chưa có nước dùng.
Khó có thể dùng lời để nói lên nỗi khổ của người dân vì mất nước. Những mặt người phờ phạc vì đêm nào cũng dậy canh nước để bơm mà đành tuyệt vọng vì đường ống khô cong. Một chậu nước đi xin về, ưu tiên tắm cho trẻ con trước, người lớn dùng lại để lau người và rửa mặt.
Khổ nhất là các trường tiểu học, bắt đầu vào mùa học hè và chuẩn bị khai giảng, nhưng nhà trường vẫn phải thông báo khuyến cáo các em nên hạn chế “đi nặng, đi nhẹ” vì không có nước xả.
Người dân Hà Nội khốn khổ vì mất nước từ sự cố vỡ ống ngày 13/8. |
Cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng vì đường ống nước sạch sông Đà. Chẳng phải chiến tranh loạn lạc mà dân vẫn phải sơ tán để đi tắm nhờ, thật là một trải nghiệm không phải người dân thủ đô nước nào cũng có được.
Dự án xây dựng đường ống thứ 2 để dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội quyết định giao cho Tổng công ty Vinaconex từ giữa năm 2014, nhưng đến giờ vẫn đang dậm chân tại chỗ, thủ tục chuẩn bị phải đến tháng 9 mới hoàn tất, sau đó chưa biết bao giờ mới khởi công.
Qua câu chuyện của đường ống nước sông Đà, mới càng thấm thía cái câu “dân cần nhưng quan chưa vội”. Bởi 1 đường ống trị giá 1.500 tỷ đồng liên tục gặp sự cố 13 lần trong 3 năm qua, người ta hẳn phải biết nó là một công trình vứt đi rồi. Vậy tại sao việc khởi động một đường ống mới vẫn lâu la đến thế?
Nào thì hãy nhìn mà xem, trong khi những việc cần kíp liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân thì thờ ơ như thế, còn lại những dự án khơi khơi, chưa cấp thiết như lát đá tuyến phố cổ thì lại được rục rịch đưa ra.
Lại nữa, quận Đống Đa mới đây còn đòi đập bỏ 24 nhà vệ sinh công cộng để công trình văn hóa. Mặc dù khi ý kiến được đưa lên báo, người dân các nơi phản đối rầm rầm vì nhà vệ sinh công cộng rất cần cho khách qua đường, nhưng chính ra, đó lại là một đề xuất có tính “nhìn xa trông rộng”.
Là bởi vì quận Đống Đa đã nhìn thấy trước nguy cơ thiếu nước sạch sông Đà, có nước để dùng đâu, để nhà vệ sinh công cộng làm gì cho phí đất, chi bằng dẹp đi cho rồi.
Có người đã ước ao, giá có thể lát đá được cái đường ống nước sông Đà, cho dân khỏi khổ sở vì thiếu nước, chứ giờ này mà còn mang tiền ra lát đá phố cổ làm gì. Đó đâu phải là cây đũa thần để thu hút khách du lịch.
Du khách sang đây, chứng kiến cảnh 30% dân số Hà Nội không có cả nước để tắm giặt và xả nhà vệ sinh thế này, dù thành phố có đem vàng ra lát đường thì họ cũng bịt mũi bỏ đi mà thôi.
Vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” ở Ban quản lý dự án nước sạch sông Đà đã được khởi tố, người gây ra tội cũng đã vào trại giam. Xong không phải như thế là yên chuyện, lãnh đạo thành phố đã cảm thấy yên tâm, tròn trách nhiệm, vì dân vẫn đâu có nước để dùng.
Không biết phải kêu tới đâu thì các lãnh đạo cấp cao mới thấu cái nỗi khổ không có nước để dùng? Không biết phải làm thế nào thì cái guồng máy lo thủ tục cho dự án xây dựng đường ống thứ 2 dẫn nước sông Đà về Hà Nội mới khởi động và tăng tốc?
Giữa dự án lát đá làm đẹp các tuyến phố cổ và nhu cầu khẩn thiết về nước sạch cho dân dùng, nếu có lương tâm, các vị lãnh đạo hãy chọn đi?
Chuyện ở phố “đi gì cũng được” và cái sự “Nhục” của ếch
Câu chuyện một du khách nước ngoài nhất quyết bắt một cô gái dắt xe máy trên phố đi bộ khiến những người Việt không khỏi cảm thấy xấu hổ thay. |