Cuốn sách kỹ năng sống dạy trẻ dẫm chân lên thủy tinh đang khiến dư luận sửng sốt. Tin tức về cuốn sách dạy trẻ dẫm chân lên thủy tinh tràn ngập các trang báo, mạng xã hội suốt 24h qua. Bài học về kỹ năng sống trở thành một trò diễn xiếc, ảo thuật bất đắc dĩ.
Cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rồi đây sẽ trở thành “cuốn sách dũng cảm nhất”. Dũng cảm từ người biên soạn và xuất bản ra nó đến những người đã đưa nó vào giảng dạy cho học sinh. Thấy việc sai trái, không những không ngăn cản mà còn đi theo vết xe đổ thì đúng là “dũng cảm” quá sức tưởng tượng. Sự dũng cảm một cách lệch lạc lan tỏa thành liều mạng, vô cảm.
Một ảo thuật gia hay một nghệ sỹ biểu diễn trò đi chân trần trên thủy tinh (dù có rất nhiều “hỗ trợ bí ẩn”) đã được khuyến cáo là trò cực kỳ nguy hiểm, không tự biểu diễn ở nhà khi chưa thật sự hiểu nó. Vậy mà nay, người ta hào hứng dạy con trẻ còn tuổi ăn tuổi chơi, còn chưa hiểu hết thế nào là kỹ năng đã phải “sống” với sự tập trung cao độ để vượt đến cái ngưỡng gọi là lòng dũng cảm. Thật nhảm nhí vô cùng. Hai khái niệm “ảo thuật gia” với “kỹ năng sống” lại đang bị đánh đồng.
Dạy trẻ dẫm chân lên thủy tinh để thể hiện bản lĩnh và lòng dũng cảm. |
Đừng hỏi vì sao, cha mẹ Việt Nam còn xa lạ với cái gọi là kỹ năng sống và cũng không nhiều người bỏ tiền cho con đi học kỹ năng sống. Có lẽ, họ cũng chừng mừng và lo sợ những cái nhảm nhí như việc dạy trẻ đi trên mảnh thủy tinh kia. Rồi đây, người ta sẽ còn dạy trẻ liều mạng đến mức nào nữa? Cưa bom chăng? Hay vào vườn bách thú dắt hổ đi chơi? Đập bóng đèn, cốc thủy tinh vỡ để nuốt sống?
Những người biên soạn ra sách, những người đưa bài học trong sách vào thực hành, họ có con nhỏ hay không? Liệu con họ có được dạy một bài học về lòng dùng cảm và thực hành bằng cách dẫm chân lên thủy tinh khi chưa biết phân biệt rõ ràng các khái niệm bài học và thực tế ? Sự hiếu động, tò mò ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” làm sao chế ngự được những nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào? Và, làm sao để được an toàn với trò ảo thuật mạo hiểm, liều lĩnh như việc dẫm chân lên thủy tinh?
Tôi từng đọc đâu đó, kỹ năng sống là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Dẫm chân lên thủy tinh có phải là một khái niệm tích cực? Dũng cảm hay liều mạng để rồi có những hành động bất chấp dẫn đến hậu quả đau lòng sau này?
Tôi thấy lo ngại vô cùng khi càng ngày càng nhiều người thích ca tụng những cái đáng ra phải phê phán, tung hê những trò chơi nguy hiểm đến tính mạng của một con người. Kỹ năng sống là cần thiết nhưng không phải bất chấp tính mạng để sống có kỹ năng. Nếu rủi ro xảy ra, ai sẽ là người sử dụng kỹ năng vừa học được?
Phải chăng, vì “học Toán chẳng để làm gì” nên bù vào Toán học là bài học về lòng dũng cảm một cách liều mạng như vậy thưa chủ biên cuốn sách?
Tôi cho rằng, không phải cứ liều mạng trèo lên ba chữ “lòng dũng cảm” là sẽ thành một người dũng cảm. Sự dũng cảm đến từ những hành động nhỏ nhặt, bình thường trong cuộc sống, trong môi trường học tập của các em như việc nói không với thành tích ảo – bệnh thành tích hay đơn giản là dám từ chối một người bạn bên cạnh dọa dẫm để nhòm bài kiểm tra của mình.
Có thể tôi sẽ là một bà mẹ lạc hậu, cổ hủ, không bắt kịp thời đại nhưng tôi vẫn chấp nhận để con tôi lớn lên có tiếng thiếu “kỹ năng” còn hơn là sống cùng những thấp thỏm lo âu với trò diễn xiếc, ảo thuật liều mạng kiểu này. Kỹ năng sống là cái mà con tôi sẽ học được từ những người xung quanh, ví như dắt một cụ bà qua đường hay trả lại chiếc ví của người vừa đánh rơi phía trước.
Lòng dũng cảm không phải là một cái gì to tát đâu, các con ạ. Nó nằm trong những dung dị đời thường!
Thôi các mẹ ơi, đừng dạy con bằng cổ tích nữa!
Trong nhiều truyện cổ tích, tôi có cảm giác rằng tác giả của chúng mang tư duy lệch lạc, hoặc chí ít là không phù hợp với tiêu chuẩn văn minh hiện nay. |