Tôi tên An. Bạn bè quen gọi là An “Nô Phây”(nghĩa là không sử dụng Facebook đấy ạ). Thú thực với các anh chị, mới mấy hôm trước tôi còn chưa biết mặt mũi anh “Cư Dân Mạng” ra làm sao, cứ chắc mẩm nhan sắc của anh nếu không phải sắc nước hương trời thì cũng thuộc hàng nghiêng thùng đổ chậu. Không nhẽ các bà các cô ở cơ quan tôi trước giờ chỉ hâm mộ giai đẹp mặt hoa da phấn trong phim Hàn lại điên đảo vì một anh chàng xấu xí?
Đem câu hỏi to đùng này đi tìm lời giải ở cơ quan, tôi bị đồng nghiệp ném cho những cái nguýt dài như cầu Thị Nại. Có chị còn dẩu đôi môi mới bơm sưng vù chê tôi “nhà kê” (mà tôi cũng không hiểu “nhà kê” là nhà gì luôn). Cuối ngày, cô bé thực tập nhắn cho tôi một cái tin vỏn vẹn mấy chữ: “Cư dân mạng không phải một người, anh ơi!”
Ơ, thế cư dân mạng không phải một người thì là một vật sao? Chữ “mạng” trong tên nó có liên quan gì đến mạng di động Viettel, Mobi, Vina? Hay nó chính là mạng nhện? Nghĩ tới nghĩ lui không đặng, tôi đánh liều về nhà hỏi vợ. Sau cái nguýt dài như cầu Cần Thơ của nàng, kiến thức về anh “Cư Dân Mạng” trong tôi đã được một phen sang trang rực rỡ.
Cư dân mạng là một tập hợp những “con virus” với tốc độ lan truyền thông tin rất nhanh. Ảnh minh họa. |
Đúng như lời cô bé thực tập nói, cư dân mạng không phải một người. Khái niệm này tương đương với một trường trong đại số trừu tượng, là một tập F có phân tử thỏa mãn các điều kiện cơ bản như ăn ngủ cùng Internet, tích cực chia sẻ thông tin, cho ý kiến, tranh luận về các chủ đề đặc biệt diễn ra trên mạng xã hội…
Theo lời vợ, An tôi lọ mọ tra từ khóa “Cư dân mạng” trên Google rồi nghiền ngẫm hơn trăm bài viết về Cư dân mạng. Với óc tổng hợp – phân tích siêu phàm của một cựu học sinh chuyên toán, cuối cùng thì tôi-sau khi mắt tăng thêm một độ vì dán mắt vào màn hình máy tính quá lâu-vẫn không hiểu mục đích, ý nghĩa hoạt động của thực thể này là gì.
Càng tìm hiểu, tôi càng muốn hỏi Cư dân mạng rằng: “Anh ăn gì để em cúng?”, rồi…lập đàn cầu an. Lần theo hành tung của Cư dân mạng cũng hồi hộp, gay cấn như xem một bộ phim trinh thám. Trong đó chân tướng sự việc chỉ có một, sẽ lộ rõ ở cuối phim khi kịch đã hạ màn. Tất nhiên, không loại trừ trường hợp “phim” có phần 2, đảm bảo hút khách và gây chấn động hơn phần một.
Nếu như trong quá khứ, cư dân mạng lâu lâu mới thực sự dậy sóng một lần thì dạo gần đây, tần suất xuất hiện của “bão mạng” có dấu hiệu phổ biến và dồn dập hơn. Cách đây vài ngày, cả hai video ghi lại cảnh “bắt quả tang tại trận, chồng và nhân tình vẫn nhởn nhơ” và “cô giáo cung Bọ cạp mắng chửi học sinh” đều gây ra hiệu ứng lan truyền ngay khi xuất hiện trên mạng xã hội. Tất thảy các thông tin liên quan đến vụ việc từ thời gian, địa điểm, nguyên nhân, kết quả đến sơ yếu lý lịch của nhân vật chính gần như chiếm trọn bảng tin (newsfeed) của người dùng Facebook.
Hiệu ứng này khiến một số người chột dạ, thậm chí sợ hãi. Không ai dự đoán trước được tương lai, không ai dám tự vỗ ngực và khẳng định mình sẽ không bao giờ dính “phốt”. Thời gian sẽ chữa lành vết thương bằng cách nào, nếu bằng chứng phơi bày hành động xấu xí của bạn không bao giờ mất đi trên mạng Internet?
Tuy nhiên, hiệu ứng lan truyền không được sinh ra mà là được tạo ra. Cư dân mạng có hứng thú đặc biệt với sự dối trá, sự sơ hở, sự mất kiểm soát…nhưng họ không dễ “xôn xao” trước mọi hiện tượng có những “dấu hiệu” kể trên…Nếu cô nhân tình kia không có thái độ nhởn nhơ, thách thức: “Cứ quay đi! Càng quay lại càng hay”, nếu cô giáo ở trung tâm Lê Na không “chửi học sinh như hát hay, không ngừng, không vấp” và có câu nói quá đắt giá “Tao là cung bọ cạp” thì hai video trên sẽ chìm nghỉm trong hàng trăm ngàn video được đăng tải mỗi ngày. Người ta có thể tha thứ cho cái sai chứ không bao giờ cảm thông cho kẻ đã sai lại còn cố cãi.
Có câu “Nếu bạn không đủ giỏi thì đừng đi ngược với đám đông”, biết xấu hổ khi phạm sai lầm cũng là một đức tính đáng quý. Tôi nghĩ rằng, Cư dân mạng sẽ chẳng đáng sợ đến thế nếu bạn luôn trả lời được câu hỏi: “Mình là ai?”
Kính thư
An “Nô Phây”
Đừng dung dưỡng “văn hóa chửi” trong đầu những đứa trẻ
Không phải vì cậu bé nói không có lí, tôi buồn vì những đứa trẻ đang bị cuốn vào thứ “văn hóa chửi” của người lớn. |