Những vùng quê vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt đầu tháng 10, giờ lại tiếp tục bị ngập sâu trong nước. Huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang bị nước sông Gianh đe dọa, một số vùng thấp như các xã Văn Hóa và Châu Hóa lại bị ngập lụt. Nhiều nhà dân đã bị ngập trên nửa mét. Trong đợt lũ trước, rất nhiều căn nhà ở đây đã bị ngập từ 2,5-3 mét.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh con bò ở xã Văn Hóa bị ngập sâu trong nước, với đôi mắt tuyệt vọng. Con bò ấy đã may mắn sống sót qua đợt lũ trước. Nhưng giờ đây, người dân Văn Hóa đang lo lắng nghĩ tới một trận “lũ chồng lũ” sẽ lại ập xuống. Những hình ảnh từ Quảng Bình đưa về cho thấy, người dân ở đây đã phải thức trắng suốt đêm 31/10 để chạy lũ, cứu tài sản và đưa người, gia súc tới nơi an toàn. Nhiều học sinh đã phải nghỉ học vì không thể vượt qua những đoạn nước sâu để đến trường.
Tại huyện Quảng Trạch, nước sông Gianh cũng đang lên rất nhanh, tràn vào các khu dân cư thuộc các xã Quảng Hải, Quảng Hòa, Quảng Tân…
Trong khi đó, Hà Tĩnh cũng phải hứng chịu những cơn mưa tầm tã suốt cả ngày 31/10. Và cũng như lần trước, thủy điện Hố Hô lại xả đập, khiến nước lụt dâng lên rất nhanh ở nhiều vùng. Vùng ngập “trọng điểm” vẫn tiếp tục là huyện Hương Khê và thị xã Kỳ Anh.
Đã có 13 trường học với hơn 4.600 học sinh ở huyện Hương Khê phải nghỉ học. Người dân ở nhiều nơi đã phải đi lại bằng thuyền.
Trước nguy cơ “lũ chồng lũ”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu “Mỗi hộ dân phải trữ gạo và nước uống trong 7 ngày”. Ông cho biết, hiện nay người dân các vùng đã nhận được hàng cứu trợ là lương thực và thực phẩm, nhưng với diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay, mọi gia đình phải cất trữ lương thực và nước sạch lên cao “để bảo đảm hết lụt còn có cái ăn”.
Mặc dù đến sáng nay, 1/11, mưa đã giảm, nước ở một số nơi rút chậm, nhưng dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió đông nên các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Phú Yên) có thể sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to trong những ngày tới.
Đang tiếp tục cập nhật…