Những ngày này, không khí tri ân ngày 20/11 đang sôi sục, nhìn lại những mùa 20/11 đã qua, tự thấy thế hệ mình được chứng kiến những chuyển biến rõ rệt nhất sự thay đổi của ngày kỷ niệm này. Ngẫm lại những ngày 20/11 từ nhiều năm trước, giờ thấy đổi thay nhiều quá.
Tôi còn nhớ rất rõ, thời còn là học sinh tiểu học. Lúc đó vào khoảng những năm 1999 – 2000. Cô giáo dạy lớp 1 của tôi nhà cách trường gần 4 cây số, cô ở trong khe Cụt. Ngày 20/11, mẹ tôi chở tôi bằng xe đạp đến nhà cô. Tôi ngồi đằng sau, tay ôm một túi có mấy quả cam chanh, một túi nữa mẹ buộc sau gác-ba-ga, đấy là 5 cân gạo mới, mẹ bảo mang đến biếu cô.
Đường không xa nhưng đi vào trong khe toàn đường đồi, rừng, lại là đường đất với đầy rẫy ổ voi, ổ gà, chật vật hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Sắp tới rồi mà 2 mẹ con vẫn nơm nớp sợ “không biết cô có ở nhà không”, bởi hồi ấy đi thì cứ đi, chứ làm gì có điện thoại gọi hẹn trước như bây giờ. May thay, cô giáo đang ở nhà, thấy mẹ con tôi đến, cô vội vàng ra đón, miệng cười rất tươi. Lúc ấy đã gần trưa, thế là cô giữ ở lại ăn cơm với gia đình, cáo mãi chẳng được 2 mẹ con tôi đành đồng ý. Trưa hôm đấy, cô nấu bằng gạo mới tôi mang đến, thịt con gà nhà nuôi, sau bữa cơm thì tráng miệng bằng cam. Không khí vui vẻ, ấm áp vô cùng.
Có lẽ cũng chính từ sau ngày 20/11 đó, cô giáo quý tôi hơn hẳn. Cô quan tâm đến tôi như cách người mẹ quan tâm đến con gái, có gì ngon cô cũng mang đến cho cô. Sau này lớn lên, ra trường rồi, nhưng khi gặp lại cô vẫn trìu mến như ngày tôi còn là con bé học sinh lớp 1.
Lớn lên chút ít, 20/11 không đi cùng mẹ nữa mà mấy đứa chơi thân trong lớp hẹn nhau đi. 4, 5 đứa góp tiền mua quyển sổ, cái bút, nếu là cô giáo thì mang sẵn từ nhà bông hoa hồng. Có đứa vẫn xách theo túi cam, món quà không thể thiếu của đám học sinh nông thôn, mà tháng 11, cam đang chín rộ. Mẹ tôi bảo, cứ mang cam cho lành, nhà trồng được, lại đỡ mất tiền mua. Thế là hành quân đến nhà thầy cô giáo, thầy trò ngồi chuyện trò tíu tít cùng nhau.
Lên cấp 2. Đi thăm thầy cô không đi lẻ tẻ theo nhóm nữa, mà cả lớp họp bàn rồi tập trung đi. Mà giáo viên dạy mỗi người một môn, chứ không phải một người duy nhất như hồi cấp 1 nữa, nên quà cáp cũng phải đầu tư hơn. Lớp tôi có đứa khéo tay vẽ đẹp lắm, trước 20/11 một tháng, nó có trách nhiệm vẽ tranh tặng thầy cô giáo. Thế là hôm đó cứ lần lượt vào từng nhà thầy cô một, bó hoa nhỏ kèm theo một bức tranh tự vẽ.
Những kỷ niệm ngày 20/11 sống mãi trong lòng tôi (Ảnh minh họa) |
Đến nhà thầy chủ nhiệm, trời nắng nên đứa nào cũng mướt mải mồ hôi, mặt mũi đỏ phừng phừng. Thầy hỏi có đói không, ăn tạm cái gì nhé. Thầy ra vườn, cắt một rổ rau cải ngọt, về nấu với mì tôm cho chúng tôi ăn. Mỗi đứa một bát, một góc, xì xụp húp mì tôm, ngon không lời nào diễn tả.
Suốt những năm cấp 2, 20/11 nào cũng thường như thế. Có khi món quả đổi mới hơn 1 chút, như cái khăn, cái áo…nhưng cơ bản vẫn hết sức giản dị.
Vào cấp 3, nhiều cái đổi mới hơn, tôi nhớ khi ấy khoản đi thăm thầy cô đã khác hơn rất nhiều rồi. Vẫn là tặng hoa nhưng những bó hoa to hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn. Những món quà đi kèm như khăn tắm, dầu gội đầu và váy ngủ là những món đồ rất được lớp chúng tôi ưa thích. Tôi nhớ hồi đó vui lắm, bình thường lên lớp thì sợ thầy sợ cô một phép, nhưng những lúc ngoài học hành thế này, thấy thầy cô thật hiền lành, vui vẻ.
Tôi nhớ nhất hồi lớp 12, cả lớp đi thăm lần lượt từng nhà thầy cô giáo, cuối buổi cùng kéo vào nhà cô dạy Hóa “xin ăn”. Cô bảo cả lớp “Nhà cô có lưới đấy, hay mấy thằng con trai to khỏe xuống ao kéo cá đi” (Cô tôi có thói quen nói chuyện rất giản dị), thế là mấy đứa con trai lớp tôi cởi trần hết lượt, xuống ao bắt cá. Hì hục một lúc bắt được 2 con cá trắm to. Chiều tối hôm đấy, cả lớp được bữa liên hoan cá nhớ đời ở nhà cô. Tận bây giờ, khi đã ra trường hơn 4 năm, tôi vẫn nhớ mãi bữa ăn ngày 20/11 năm ấy. Nhiều lúc nhớ quá, mang ảnh ra ngắm thấy nuối tiếc một thời hồn nhiên.
Ra trường rồi, mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một ngành nghề. Chẳng mấy khi mới có dịp gặp nhau, có khi cả năm mới họp lớp vào dịp Tết. 20/11 chẳng đứa nào được nghỉ để về. 20/11 không còn được cùng nhau đến thăm thầy cô như trước nữa. Đứa nào nhớ đến thầy cô xưa thì gửi lời nhắn chúc mừng qua tin nhắn, gọi điện, facebook, zalo… Nói chung, điện thoại và mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích để gắn kết tình thầy trò lại với nhau.
Còn nhớ 20/11 năm ngoái, tôi nhắn tin chúc mừng cô giáo chủ nhiệm 3 năm cấp 3. 2 cô trò nói chuyện qua lại, cô hỏi thăm tôi rồi dặn dò nhiều cái, tôi cảm tưởng cô vẫn ân cần, hiền dịu như hồi chúng tôi còn đang đi học. Cuối cùng, cô nói, nhận được tin nhắn của học sinh cũ cảm thấy rất vui, còn thấy cảm động hơn nhiều so với học sinh bay giờ của cô. Bởi cô cảm thấy hạnh phúc vì bao lớp học sinh ra trường rồi, vẫn nhớ về thầy cô giáo cũ, đó là sự thể hiện của lòng tôn kính, biết ơn. Cô mừng vì chúng tôi gìn giữ được những điều cao quý ấy.
Mười mấy năm trôi qua, bao nhiêu mùa 20/11 đến rồi đi, nhưng những ký ức về ngày này vẫn không mờ phai trong suy nghĩ của tôi. Bằng cách này hay cách khác, dù có giản dị hay đổi mới thế nào thì những tình cảm hay sự trân trọng của chúng tôi đối với các thầy cô giáo vẫn nguyên vẹn, chẳng bao giờ thay đổi.
Rơi nước mắt với bức thư “Mẹ cưới chú đi để con được gọi là ba”
(Xi nhan) – Câu chuyện của chị Vũ Thị Vân, người phụ nữ đi bước nữa với người đàn ông cách nửa vòng trái đất chỉ vì câu nói của con: “Mẹ cưới chú ấy đi” khiến ai đọc cũng phải rưng rưng. |