Ngôi nhà nhỏ của anh chị Như Sang (1987) – Quỳnh Trang (1990) tại phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM nổi bật với vườn rau sạch trên sân thượng. Vườn rau này được chị bắt đầu gây dựng từ đợt cuối năm 2013. Chị chia sẻ: “Mình thích cây, hoa lắm. Ngày trước lúc còn ở ngoài Bắc, do nhà bố mẹ mình nhỏ quá, không có điều kiện để trồng cây. Vào đây xây nhà thấy cái sân thượng rộng mà để không thấy phí lên mình quyết định làm công việc mà mình yêu thích.”
Hơn nữa, công việc của chồng chị làm giảng viên trên cơ quan phải nghiên cứu nhiều, lúc nào đầu óc cũng căng thẳng. Chị mong muốn thời gian ở nhà, anh Sang có nơi để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Khu vườn trên sân thượng vừa để vận động giải tỏa tinh thần, mà còn có nguồn ra đảm bảo cho bữa cơm gia đình.
Ban đầu, chị chỉ đầu tư một ít nhưng sau đó cứ làm từ từ từng phần trong vòng 2 năm. Hiện tại trên vườn sân thượng của gia đình 200 thùng xốp, 50m2 giàn và 1 chuồng chim lớn nữa – tất cả mất khoảng 6 triệu đồng.
Để đảm bảo đúng chất của việc trồng rau sạch, chị chỉ tận dụng tất cả phế phẩm nông nghiệp để làm phân xanh bón cây, phân tự ủ hay phân hữu cơ của Úc
Thấy việc trồng rau sạch không khó, chị Kim Hạnh (25 tuổi, Tp.Hồ Chí Minh) đã quyết định đầu tư kinh phí và thời gian trồng đủ các loại rau của quả. Chị cho biết: “Thuở đầu, mình có trồng vài thùng rau sạch cho con trai ăn dặm. Sau đó, mình trồng đa dạng hơn các loại để cung cấp rau sạch cho cả gia đình. Đặc biệt, chăm sóc rau giúp mình giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc mệt mỏi”.
Xung quanh khu chị Hạnh ở toàn nhà cao tầng, ít nắng. Vì vậy, chị phải tận dụng mảnh sân thượng rộng chừng 40m2 để trồng rau. Đến nay, khu vườn đã chật kín những thùng xốp, giỏ treo hội tụ đủ các loại rau quả.
Thời gian đầu trồng rau, chị Hạnh vướng phải nhiều khó khăn, từ khâu vận chuyển đất đến kinh nghiệm chăm sóc. Chị cho hay, vợ chồng chị phải vác từng bao đất dinh dưỡng tribat từ dưới lên tận tầng 3. Tiếp đó, trộn đất với phân trùn quế, phân gà ủ hoai mục và dưới đáy thùng lót ít xơ dừa để giữ nước. Hơn nữa, nhà có con nhỏ nên vợ chồng chị phải tranh thủ lúc bé ngủ để làm.
Do thời tiết Sài Gòn nắng nóng khiến cây dễ mất nước, chị Hạnh đã thiết kế hệ thống tưới nước nhỏ giọt để giữ nước và giúp bộ rễ thoáng khí. “Hồi đầu, mình không rõ thuộc tính của cây nên loại cây leo trồng trong thùng chỉ ra lá mà không bói hoa cho quả.
Ngoài ra, lỗ thoát nước ở dưới đáy thùng nên đất luôn khô. Qua tìm hiểu, mình có thiết kế hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng cách lấy vỏ thùng nước uống hay chai nước lọc cỡ to đục lỗ rồi cắm dây truyền đạm vào. Nhờ đó, cây lên tốt và luôn xanh mướt”, chị Hạnh hướng dẫn cách làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt.