Nhận diện các chiêu trò trộm tiền trong tài khoản ngân hàng
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an Hà Nội, từ thực tiễn công tác đấu tranh, đơn vị nhận thấy thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu sử dụng 3 chiêu trò phạm tội. Đầu tiên là việc mua, bán thông tin tài khoản thẻ ATM bị đánh cắp, sau đó tự sản xuất thẻ giả để rút tiền.
Loại tội phạm này chủ yếu là người nước ngoài, trong đó nhiều đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch hoặc đi du lịch. Khi vào Việt Nam, chúng thường mang theo phôi thẻ ATM cùng các thiết bị để sản xuất thẻ ATM, thẻ tín dụng giả.
Đơn cử như đầu tháng 6-2016, CAQ Ba Đình bắt quả tang 2 đối tượng Tian Yun Yun (SN 1987) và Zhong Zheng (SN 2.000), đều ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đang dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại cây ATM trên phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa.
Thời điểm này, lực lượng chức năng thu giữ tang vật gồm 210 triệu đồng và một số thiết bị là công cụ phạm tội của các đối tượng… Đáng chú ý, 2 đối tượng này, cũng như những ổ nhóm tội phạm trộm tiền trong thẻ từng bị xử lý, chỉ là những “con rối” bị giật dây, trong khi các đối tượng cầm đầu đang điều hành cách đó cả nghìn cây số. Chính những kẻ này đã đánh cắp và thông tin về tài khoản ngân hàng cho đồng bọn qua phần mềm để thực hiện hành vi phạm tội.
Chiêu trò thứ hai đang khá phổ biến, là tội phạm sử dụng “Skimming”. Loại tội phạm này thường đến những “cây” ATM vắng vẻ, rồi tiến hành lắp đặt các thiết bị theo dõi. Người dân dùng thẻ ATM khi thao tác rút tiền sẽ bị các thiết bị đặt lén sao chép lại dữ liệu. Từ đó, các đối tượng không quá khó khăn đánh cắp thông tin của khách hàng và dùng thẻ giả để rút hết tiền trong tài khoản.
“Phishing” – là thủ đoạn thứ ba mà tội phạm cũng thường áp dụng để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của người dân. Các đối tượng lừa đảo bằng cách lập những trang web giả mạo với giao diện giống như các trang mạng xã hội nổi tiếng, các trang web mua bán, hay web giao dịch trực tuyến của các ngân hàng.
Sau đó, các đối tượng giả danh các cơ quan, tổ chức gửi email với đường link trang web, tin nhắn thông báo trúng thưởng và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cần thiết. Người dùng vì sự chủ quan của mình đã cung cấp thông tin cho một trang web trông có vẻ hợp pháp, nhưng lại là trang web giả mạo do các hacker lập nên. Khi lấy được thông tin thẻ, mật khẩu, mã giao dịch OTP các đối tượng truy cập tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển tiền.
Thủ đoạn này đã được các đối tượng sử dụng trong vụ đánh cắp 200 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng V. của một khách hàng thời gian vừa qua. Rất may, khi các đối tượng định tiếp tục “xơi” thêm 300 triệu đồng, phía ngân hàng đã kịp thời phong tỏa.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, người sử dụng các loại thẻ ngân hàng cần có ý thức, kiến thức bảo mật thông tin; cần bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị điện tử cá nhân khi sử dụng chúng cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Một thao tác cũng hết sức cần thiết khi rút tiền tại các máy ATM, là nên quan sát xem có gì bất thường không. Cùng với đó, cần chủ động kiểm soát, nắm bắt số dư trong tài khoản, tránh để khi phát hiện tiền “bỗng nhiên bay hơi” thì đã quá muộn.
Mất tiền trong tài khoản, làm gì để lấy lại được tiền?
Bị mất tiền trong thẻ ngân hàng là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên nếu bỗng một ngày, bạn nhận được tin nhắn từ tổng đài ngân hàng và số tiền trong thẻ “không cánh mà bay” dù bạn không thực hiện bất kì giao dịch nào, hãy bình tĩnh, thực hiện ngay các bước sau để bảo vệ chiếc thẻ cũng như ngân khố của mình.
– Khóa thẻ: Thay vì bối rối tự tìm nguyên nhân vì sao tiền lại mất đi, thì bạn cần bình tĩnh gọi ngay cho tổng đài ngân hàng yêu cầu khóa thẻ. Hành động này vừa giúp cho bạn tránh bị mất thêm tiền trong tài khoản và đồng thời báo cho ngân hàng biết chiếc thẻ của bạn đang bị xâm nhập trái phép.
– Kiểm tra tình trạng thẻ: Điều cần thiết tiếp theo là bạn hãy thật bình tĩnh nhớ lại xem những giao dịch thẻ gần đây nhất, và kiểm tra lại các hóa đơn, cũng như thẻ xem còn nguyên vẹn trong tầm sở hữu của mình hay không.
-Yêu cầu điều tra thẻ: Điều này bạn cần thực hiện càng sớm càng tốt, bạn có thể gọi lên tổng đài tín dụng của ngân hàng chủ thẻ hoặc đến chi nhánh ngân hàng mở thẻ gần nhất để yêu cầu điều tra.
Một số mẹo khi thực hiện giao dịch tại máy ATM
Nên dùng tay che bàn phím khi nhập PIN.- Khi đi rút tiền tại ATM, bạn nên quan sát các thiết bị lạ gắn trên ATM, đặc biệt khu vực phía trước bàn phím xem có camera hay không (vị trí này ngân hàng quản lý ATM không bao giờ gắn camera). Nếu như ATM chưa được trang bị thiết bị che bàn phím, bạn nên dùng tay che bàn phím khi nhập PIN để rút tiền nằm tránh việc kẻ xấu quay camera để trộm dữ liệu.
– Chắc chắn rằng người đứng sau bạn đang chờ để đến lượt thực hiện sau dịch và người đó không thể xem được số PIN bạn nhập hoặc giá trị giao dịch bạn định thực hiện.
– Lấy tiền, thẻ và biên lai giao dịch ngay sau khi bạn hoàn tất giao dịch.
– Nếu thấy bất kỳ một ai có biểu hiện nghi ngờ thì hãy hủy bỏ giao dịch và rời đi ngay lập tức.
– Nếu bạn cần thực hiện giao dịch vào ban đêm nếu có thể hãy rủ người đi cùng.