Nhân vụ Nhí Tino và đồng bọn hành hạ một nữ sinh cùng lứa tuổi, chúng tôi đã có các bài viết cảnh báo đến phim ảnh, sách truyện đang đầu độc giới trẻ hiện giờ. Nhưng phim ảnh hay sách báo cũng chẳng là gì nếu so với mức độ nguy hiểm của game, nhất là khi nó được tương tác trên mạng xã hội.
Thế hệ đầu tiên ở Việt Nam được biết đến game là vào những năm đầu 90 khi đất nước mở cửa và trên thế giới cũng bắt đầu phát triển các trò chơi điện tử. Những đứa trẻ của một phần tư thế kỷ trước chỉ biết cho mario, xếp hình (xếp hình lành mạnh), xe tăng… Cũng có những trò game đánh nhau, bạo lực như Street Fighter (đấu sĩ đường phố) là đã khiến các bậc phụ huynh nóng mặt.
Nhưng game ngày xưa chẳng là gì nếu so với các thế hệ game ngày càng thực sau này. Game hiện giờ có đồ họa tốt hơn nên những cảnh máu me, đâm chém đã đạt đến mức độ ghê rợn. Những đứa trẻ chơi nhiều những trò như vậy sẽ dần vô cảm với máu me bạo lực như cách nhóm Nhí Tino đánh bạn.
Trong các game gần đây lại chạy theo trào lưu nhập vai, có cốt truyện rõ ràng. Một trong những trò được giới trẻ hiện nay ưa chuộng là GTA, trong đó người chơi nhập vai tội phạm, bắn cảnh sát để vượt ngục, thực hiện các phi vụ ám sát, khủng bố, hay cướp bóc. Trong game có đồ họa rất thực này, người chơi được lái ô tô với cảm giác như thật, mang súng vào siêu thị bắn lung tung… Vì là game nhập vai nên người chơi phần nào cảm giác rơi vào trong xã hội trong game và khi rời trò chơi thì họ vẫn chịu ảnh hưởng, mang những thói quen suy nghĩ trong game ra đời sống hiện thực, bạo lực hơn, bất chấp luật pháp hơn.
Nhưng game nguy hiểm hơn là các trò game online. Môi trường game online có cả ngàn người, chủ yếu là trẻ vị thành niên tham gia. Có thể coi nó là một xã hội ảo với những con người thật. Trong game, các nhân vật được điều khiển bằng những con người thật có thể giao tiếp rồi chửi nhau, có thể kéo bè kết cánh đi cướp bóc, đâm chém để cướp tiền.
Sự phát triển của mạng xã hội càng khiến thế giới trong game và đời thực càng gần hơn. Từ thế giới ảo trong game đến thế giới nửa thực, nửa ảo của mạng xã hội là khoảng cách gần và từ mạng xã hội đến đời thực thì gần như không có khoảng cách. Từ trong game, chúng có thể kết bè kết cánh ở ngoài đời. Từ trong game, chúng có thể thực hiện những hành động như ở ngoài đời.
Đã có bao nhiêu vụ chỉ vì tranh cãi nhau trong game dẫn đến chửi bới nhau trên mạng xã hội rồi thách đố nhau ngoài đời. Vụ Nhí Tino cũng là một dạng như vậy khi chỉ muốn thể hiện vai trò đại ca trên mạng xã hội bằng cách tìm và hành hạ người làm mếch lòng chúng. Nhưng cuộc đời vốn không phải là trò chơi. Trong game chơi sai luật thì có thể ngừng trò chơi còn ngoài đời, nếu làm sai thì sẽ phải trách nhiệm trước pháp luật.