Chật vật tìm cách thoát khỏi dòng xe cộ ùn tắc đầy khói bụi, anh bạn đang lái xe bỗng bật cười và chỉ cho tôi thấy một chiếc Yaris màu trắng đang tiến thoái lưỡng nan giữa một rừng xe máy. “Tôi cá một chầu cà phê với cậu là 100% khả năng người ngồi sau vô lăng là phụ nữ”, bạn tôi đề nghị với vẻ mặt đầy tự tin về khả năng thắng cuộc của mình.
Sự tự tin của bạn khiến tôi nhớ lại câu chuyện từng được nghe về một chị đồng nghiệp cũ (chắc câu chuyện có thêm chút ít gia vị) khi lần đầu chị mua và tập lái xe hơi lúc đã gần 50 tuổi. Thời gian đầu, mỗi lần tự lái xe ra đường, chị luôn lo ngại là người khác có thể đâm vào xe của mình do tay lái của chị còn non.
Một lần khi đang leo lên con dốc cầu Chương Dương, chị đã mở kính, quay đầu lại và nói to với những xe phía sau: “tránh xa đuôi xe của tôi ra chút, kẻo xe bị tụt vì tôi mới lái”. Lần khác, khi đang bon bon trên phố mà không thấy ai bấm còi nhắc nhở hay vượt lên từ phía sau, chị mới chợt nhận ra là mình đang đi vào đường một chiều. Bình tĩnh dừng xe vào lề đường, chị vẫy một chiếc taxi và nhỏ nhẹ nhờ anh tài xế quay đầu hộ chiếc xe của mình.
Không chỉ riêng ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, định kiến liên quan đến yếu tố giới như “phụ nữ lái xe không tốt bằng đàn ông”, “khả năng định vị, tìm đường của phụ nữ gần như zero” hay “đàn ông giải quyết kém các công việc đa nhiệm vụ ” đã được rất nhiều người, kể cả phụ nữ thừa nhận mà không hề kiểm chứng bât chấp các nghiên cứu từ trước tới nay chưa tìm thấy được mối liên hệ ý nghĩa nào giữa giới tính và khả năng tìm đường hay lái xe của phụ nữ, và “đây vẫn là một lỗ hổng trong logic”.
Một định kiến nữa liên quan đến giới, đó là khả năng tham chính và năng lực lãnh đạo của phái đẹp. Đa phần dân chúng vẫn cho rằng, phụ nữ, do các bất lợi vì vai trò nội trợ, bếp núc và các thiên chức được đặt tên, khiến năng lực lãnh đạo của họ đứng sau nam giới. Không rõ từ khi nào, có rất nhiều đàn ông Việt cho rằng phụ nữ không nên làm lãnh đạo bởi tính khí thất thường (sớm nắng chiều mưa và có phần đồng bóng) và coi nhẹ bằng chứng trong các quyết định quan trọng của tổ chức.
Ảnh minh họa |
Sếp cũ của tôi là một phụ nữ người Việt, ở tuổi 35, chị nắm giữ trách nhiệm là Trưởng đại diện văn phòng một tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Chị cho biết, để có thể nắm giữ và hoàn thành tốt công việc của người đứng đầu đã khó thì với chị lại càng khó khăn gấp bội do chữ “Thị” xuất hiện trong danh thiếp của mình. Buổi đầu, trong các cuộc họp với đối tác, có rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và bất ngờ vì người mà họ gặp với cái chức danh quan trọng đó, không đeo kính, tóc chưa bạc và lại là một phụ nữ tương đối trẻ.
Một vấn đề chung đối với phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo luôn phải đối mặt trong công việc, đó là để có thể tạo được sự thừa nhận từ lãnh đạo cấp trên, của đồng nghiệp và những bên liên quan. Họ cần phải phấn đấu và làm việc hiệu quả gấp đôi và không cho phép sai sót. Điều này đã được nhiều nghiên cứu đúc kết và khái quát hóa bằng câu “phải làm việc gấp đôi – được thừa nhận một nửa”.
Một trong bốn nhóm tiêu chí được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sử dụng đánh giá và xếp hạng các quốc gia về bình đẳng giới thông qua báo cáo thường niên về khoảng cách giới toàn cầu, là sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo – phụ nữ tham chính (ba nhóm tiêu chí còn lại là sự tham gia & cơ hội kinh tế, thụ hưởng giáo dục, và y tế & tuổi thọ). Với vị trí thứ 76 trong số 142 quốc gia được xếp hạng trong báo cáo năm 2014 của WEF cho thấy, Việt Nam chưa tạo được sự đột phá nào về bình đẳng giới suốt mấy năm qua.
Trái ngược với nhóm chỉ số về sự tham gia và cơ hội kinh tế (xếp hạng thứ 41 trong báo cáo) thì nhóm chỉ số về phụ nữ tham chính của VN (đang nằm ở vị trí 87) vẫn đang còn khá khiêm tốn. Ngoài một số nguyên nhân mang tầm chiến lược và một vài hạn chế liên quan đến văn hóa, lịch sử ra, có thể nói phụ nữ tham chính ở nước ta hiện tại vẫn đang tồn tại những vấn đề.
Thứ nhất, với cùng xuất phát điểm, nam giới thường được cho rằng dễ thành công hơn với hiệu quả công việc cao hơn. Thực tế điều này chỉ đúng trong giai đoạn đầu của sự nghiệp do khi đó người phụ nữ phải sinh con và bận bịu chăm sóc gia đình. Khi gánh nặng này được gỡ bỏ do con cái lớn hơn, sau tuổi 40, phụ nữ có thể tập trung nhiều hơn cho sự nghiệp và kể từ thời điểm này, họ bắt đầu minh chứng được khả năng của bản thân để rồi dần dần bỏ nam giới lại phía sa cho đến 60 tuổi (nguồn thông tin: Business Insider).
Thứ hai, trong lĩnh vực quản lý, nam giới được cho là có thế mạnh trong phân tích và đưa ra các giải pháp kịp thời. Chính các “hạn chế” mang màu sắc định kiến như phụ nữ không có khả năng nhìn xa trộng rộng (có nguồn gốc từ khả năng tìm đường, định vị) và thiếu quyết đoán; hay để tình cảm chi phối, đã khiến cho nhiều người, thậm chí không nghĩ là mình có thể thành công nếu được giao trọng trách lãnh đạo.
Thực tế nếu phụ nữ được tạo cơ hội một cách công bằng và bình đẳng, với các kỹ năng mềm của mình như huy động nguồn lực và sự tham gia, hợp tác của nhiều bên liên quan một cách hợp lý, phát huy đúng vai trò của mỗi cá nhân, đơn vị thì khả năng thành công của họ chưa hẳn đã thua nam giới.
Thứ ba, nam giới xưa nay vẫn thường được cho là “cần câu cơm” còn phụ nữ thường sắm vai phụ trong sự nghiệp của chồng nên các vị trí chủ chốt thường được nam giới nắm giữ còn phụ nữ nếu có tham chính thì cũng chỉ đóng vai trò làm “phó” hay “trợ lý”. Tuy nhiên các kết quả khảo sát gần đây cho thấy trong số 16 loại hình kỹ năng liên quan đến quản lý, có tới 12 loại hình phụ nữ làm tốt hơn nam giới như “truyền cảm hứng và huy động sự tham gia” hay “tạo dựng quan hệ”, trong khi đó nam giới chỉ dành lợi thế ở hai kỹ năng liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật và phát triển chiến lược.
Đến đây, tôi chợt nhớ đến chị đồng nghiệp cũ trong những ngày đầu tập lái xe trên phố, có lẽ chị đã thành công hơn rất nhiều đàn ông chúng ta khi nhận biết được các hạn chế của mình tại thời điểm đó để đưa ra các giải pháp đầy thực tiễn nhằm tránh được rủi ro và huy động sự hỗ trợ của những người phù hợp; để ngày hôm nay chị có thể thoải mái, tự tin lái xe đưa mình đến những nơi nào chị thích.
Trước khi xã hội mà cụ thể là nam giới tình nguyện giao bớt trọng trách chính trị cho nữ giới, thiết nghĩ những người phụ nữ, hãy sử dụng lợi thế của mình để dành sự chủ động hơn trong tham chính – và để một ngày không xa ai cũng được thừa nhận và có cơ hội bình đẳng dựa trên sự cống hiến mà mỗi người đã bỏ ra.
Tuổi trẻ là tuổi phải trả giá
(Xi nhan) – (Phunutoday) – Tám năm tuổi trẻ từ 18 đến 25 theo tôi nghĩ phải là cái tuổi để trả giá chứ không phải để hưởng thụ. |