TS Nguyễn Ngọc Hiếu – ĐH Việt Đức nói về nhận định của lãnh đạo Bộ Công thương rằng “Samsung là hàng Việt Nam”.
Theo ông Hiếu, gọi Samsung là gì phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, từ góc độ học thuật, kinh tế, xã hội, văn hóa. Với sản phẩm có tính quốc tế hóa thấp, chỉ một bên tham gia, tính nội hàm của sản phẩm không phải bàn cãi nhiều thì việc định nghĩa “là gì” rất đơn giản.
Tuy nhiên, với những sản phẩm có tính quốc tế hóa cao, cách gọi “là gì” lại tùy thuộc vào mục đích của nhà sản xuất và ý đồ của cơ quan quản lý.
Ảnh minh họa |
Vậy dựa trên cơ sở tham chiếu nào để coi Samsung có là hàng Việt hay không?
Thứ nhất, xét trên góc độ thương mại và giá trị gia tăng. Nếu lấy cơ sở này làm tham chiếu có thể khẳng định Samsung không phải là hàng Việt. Vì sao?
Đối với Mercedes, là thương hiệu xe hơi Đức đang lắp ráp tại Việt Nam nhưng gia trị gia tăng của thương hiệu này đóng góp cho Việt Nam có thể lên tới 50%, hay Honda, có thể lên tới 90%. Với mặt hàng điện thoại, giá trị gia tăng Việt Nam nhận được là rất thấp, khoảng 10-20%, như vậy có tới 80% giá trị gia tăng của sản phẩm đang nằm ở nước ngoài. Samsung cũng vậy. Samsung hiện đang đóng góp khoảng 10% vào tổng kim ngạch xuất khẩu, nếu nhìn vào tỉ lệ đóng góp vào GDP hay kim ngạch XNK đây là con số khổng lồ.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng (GNP) mà Samsung mang lại lại không đáng bao nhiêu. Samsung chỉ là hàng gia công, nguyên liệu nhập vào thể hiện trên 90% giá trị của sản phẩm. Vì vậy, dựa trên giá trị gia tăng Samsung không phải là doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho cả lao động và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, gọi Samsung là hàng Việt là chưa chính xác.
Thứ hai, nếu lấy tỉ lệ nội địa hóa làm cơ sở tham chiếu. Samsung dù đang được lắp ráp ở Việt Nam nhưng có tới 90% giá trị của sản phẩm đều do nhà sản xuất Hàn Quốc cung cấp, tỉ lệ sản xuất ở Việt Nam rất ít.
Nhưng ngay cả khi, linh kiện của Samsung được sản xuất tại Việt Nam cũng phải xem xét Việt Nam hưởng bao nhiêu phần trăm giá trị gia tăng từ số lượng linh kiện này.
Ví dụ, Samsung đặt hàng DN Việt sản xuất 51% linh kiện cho Samsung, nhưng dựa trên giá trị gia tăng Việt Nam được hưởng là 49% hay 70% sẽ có cách nhìn khác nhau?.
Khi đó, tỉ lệ nội địa hóa không còn là khái niệm tuyệt đối hóa để làm cơ sở tham chiếu trong trường hợp gọi Samsung là gì. Nếu, Việt Nam sản xuất 51% nhưng hưởng giá trị gia tăng tới 70% sẽ khác, ngược lại, nếu giá trị gia tăng nằm ở 49% linh kiện sản xuất ở nước ngoài và lợi nhuận Samsung hưởng thì không thể gọi Samsung là hàng Việt.
Thứ ba, đứng trên cơ sở thương hiệu quốc gia và lợi ích người Việt, Samsung cũng không được gọi là hàng Việt.
Nếu gọi Samsung là hàng Việt, sẽ không đơn thuần chỉ là thương hiệu của một sản phẩm nữa mà nó còn là thương hiệu của cả một quốc gia vì vậy giá trị gia tăng mang lại cho quốc gia đó phải tương xứng với thương hiệu của sản phẩm đó. Như vậy, nhìn vào những đóng góp của Samsung thì định nghĩa trên cũng chưa tương xứng.
“Nếu tuyệt đối hóa cách gọi này sẽ bác bỏ những yếu tố khác. Và cuối cùng, Samsung là hàng Việt thì chỉ nói lên được một phần sự thật. Nếu đặt lợi ích của người Việt Nam lên hàng đầu và coi đây là thước đo cơ bản xác định Samsung có phải hàng Việt hay không thì khẳng định đây không phải là hàng Việt Nam”, TS Nguyễn Ngọc Hiếu thẳng thắn.