Mẹ chở con trên SH bị chém: ‘Ba chú đẩy ngã mẹ’
“3 chú đẩy ngã mẹ”
Mấy ngày qua dư luận xôn xao trước vụ mẹ chở con trên xe SH bị chém tử vong xảy ra ở đường 39A, thuộc địa phận huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Chinh (27 tuổi, thôn Cầu Rồng, xã Phương Công, huyện Tiền Hải, Thái Bình).
Sáng ngày 1/11, trao đổi với PV, anh Lê Đình Vang (32 tuổi, chồng nạn nhân) đau xót nói: “Sáng nay gia đình chúng tôi đã đưa vợ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng rồi, thằng cò (con trai đầu của vợ chồng anh Vang, cháu bé chứng kiến cảnh mẹ bị chém -PV) về nhà từ tối qua để đưa tang mẹ.
Hiện tâm lý của cháu cũng đã ổn định hơn, cháu cũng chỉ nói chuyện với những người thân thiết. Hôm qua tôi cũng làm công tác tư tưởng với cháu, tôi dặn cháu “con không được khóc, khóc là nước mắt vào vết thương sẽ đau lắm”.
Nghe lời tôi, từ hôm qua tới lúc đưa tang mẹ, thằng cò nhà tôi không khóc tiếng nào, nhưng tôi biết trong lòng nó đau lắm.
Sáng nay không ai bảo, cháu còn đi xin tiền lẻ của mấy người rồi khi đưa linh cữu mẹ xuống, cháu ném tiền xuống cho mẹ. Nhìn cảnh cháu ném tiền cho mẹ mà ai cũng không cầm được nước mắt.
Sự việc xảy ra gia đình ai cũng rất buồn, giờ chỉ còn biết chăm sóc, động viên để cho cháu quên đi khoảnh khắc kinh hoàng đó”.
Anh Vang cũng kể thêm: “Cháu bé từ hôm qua tới nay có kể lại một chút sự việc với người cô của cháu.
Cháu nói cháu và mẹ bị 3 chú đi xe đẩy ngã. Như vậy thông tin mấy người ở cây xăng nói nhìn thấy 3 đối tượng đi xe máy là đúng. Khả năng chính 3 đối tượng đó gây nên cái chết cho vợ tôi”.
Mẹ cố che chở cho con
Mới đây theo thông tin trên DV, ông Nguyễn Văn T. (trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), một trong những người có mặt đầu tiên tại hiện trường cho biết, “Nghe tiếng gọi, tôi chạy ra thấy một chiếc xe máy SH nằm nghiêng bên vệ đường. Tôi tưởng đây là vụ tai nạn giao thông bình thường.
Tiến lại gần, tôi thấy một bé trai đang hoảng loạn gào khóc bên nguời mẹ nằm ở vệ đường. Người mẹ bị chém ở cánh tay bên phải và một vết chém ở má bên phải xuống đến cổ”, ông T. kể lại.
Theo ông T., khi tới hiện trường, ông thấy tay người phụ nữ nắm rất chặt như cố làm điều gì đó trước khi mất. Ông T. phán đoán, trước khi tử vong, người mẹ đã cố gắng bảo vệ, che chở cho con trai khi bị đối tượng lạ mặt tấn công.
Nói về chi tiết này, anh Vang cho biết: Khi đến hiện trường thì tôi không thấy có gì bất thường cả. Thấy tay vợ tôi không nắm chặt như một số thông tin đưa, nói chung tôi cũng không thể biết hết được.
Ngã xe, nữ sinh bị thanh sắt đâm xuyên mông
Đang đi xe đạp điện song song với bạn, 2 xe chạm nhau khiến em P.T.H. Yến (16 tuổi) ngã xuống đường. Đúng lúc này có một xe 3 bánh tự chế đang chở hàng lao đến, không kịp phanh đã đâm thẳng vào nữ sinh. Thanh sắt kim loại dài trên xe đã đâm vào mông bệnh nhân, kéo lê đi xa 4 – 5m.
TS.BS Vũ Văn Khoa, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân Yến (Bắc Ninh) được đưa vào khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) chiều ngày 31/10/2016, trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định nhưng có thanh kim loại nhọn (đã được cưa ngắn) xuyên vào mông, cạnh sống và thắt lưng phải.
Theo lời kể của gia đình, khi Yến đang đi xe đạp điện, chạm với xe của bạn nên ngã ra đường. Đúng lúc này có xe 3 bánh tự chế chở hàng lao đến, đâm trực diện vào người Yến. Thanh sắt hàn bên cạnh xe đâm vào mông phải và kéo lê bệnh nhân đi khoảng 4-5m.
Sau tai nạn, bệnh nhân được đưa đến y tế cơ sở tiêm giảm đau và mọi người dùng cưa cắt sắt cắt đứt thanh kim loại khỏi xe, chuyển bệnh nhân lên BV Việt Đức.
Tại bệnh viện Việt Đức, sau khi được chụp X – quang xác định dị vật mông, thắt lưng phải, bệnh nhân đã được mổ lấy dị vật, làm sạch vết thương. Đến nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, theo dõi thêm một vài ngày là có thể xuất viện.
Cháy quán karaoke Trần Thái Tông: Nhiều người nhảy cửa sổ thoát thân
Theo thông tin từ hiện trường vụ hỏa hoạn, ngọn lửa vẫn đang bốc cao, lan ra 7 – 8 căn nhà liền kề trên dãy phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Rất nhiều người đã phải nhảy cửa sổ để thoát thân.
Điểm phát cháy bước đầu được xác định từ tầng 1 lan lên các tầng trên. Khói và lửa mù mịt, bao trùm cả khu vực. Hiện vẫn chưa thể tiến vào được khu vực bên trong đám cháy, cũng như chưa thể xác định được còn hay không nạn nhân mắc kẹt do đám cháy quá lớn và lan ra nhiều ngôi nhà chung quanh.
Theo thông tin từ hiện trường, ngọn lửa vẫn đang bốc cao, lan ra 7 – 8 căn nhà liền kề trên dãy phố Trần Thái Tông. Rất nhiều người có mặt trong nhà đã phải nhảy xuống thoát thân từ trên các cửa sổ.
Hàng chục xe chữa cháy, lực lượng Công an TP Hà Nội và lực lượng Quân đội của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã có mặt tại hiện trường để chữa cháy, đồng thời tổ chức triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng y tế cùng các xe cứu thương có mặt để cấp cứu các nạn nhân.
Theo thông tin ban đầu, vụ cháy xảy ra vào khoảng 13h30 hôm nay sau khi có một tốp thợ hàn biển quảng cáo của quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông.
Người dân cho biết, có ít nhất 1 người bị mắc kẹt trong đám cháy, được cho là anh Trần Quốc Khánh (23 tuổi). Vụ cháy cũng gây thiệt hại lớn về tài sản khi lửa thiêu rụi nhiều xe máy dựng trước nhà, cũng như một ôtô 5 chỗ.
Hiện lực lượng phòng cháy đang tiếp cận khu vực cháy từ nhiều phía để dập lửa. Ngọn lửa đang lan ra các khu vực lân cận.
Chỉ có một người con ở bên khi NSƯT Phạm Bằng lâm chung
Sáng 1/11, nhà riêng NSƯT Phạm Bằng trên phố Hàng Giầy một màu tĩnh lặng. Gia đình chưa cáo phó nên chỉ một vài người hàng xóm thân thiết sang hỏi thăm. Chia sẻ với Zing.vn, chị Hiền – con gái cố nghệ sĩ cho biết: “Gia đình hiện rất rối bời vì bố tôi mới mất ngày hôm qua. Chúng tôi đang chọn ngày nên chưa cáo phó”.
NSƯT Phạm Bằng có bốn người con, 3 con gái, một con trai. Ông sống với con trai út và con gái cả hơn 40 tuổi chưa lập gia đình. Hai người con gái còn lại, một người lấy chồng sống ở nước ngoài, một người sống trong TP.HCM.
Chị Hiền là người trực tiếp đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đi cấp cứu và cũng là người con duy nhất được nhìn mặt ông lúc lâm chung.
Khi nam nghệ sĩ mất, cô con gái thứ 2 vừa trở về Sài Gòn. Cậu con trai út – người sống gần ông nhất cũng mới nhận chuyến công tác sang Malaysia cách đây 4 ngày. Còn cô con gái lấy chồng ở Đức đang đáp chuyến bay về Việt Nam.
Tuy nhiên, chị Hiền cho biết, đến sáng 1/11, bốn người con ruột của NSƯT Phạm Bằng đều đã về đông đủ và túc trực bên lĩnh cữu cha mình. Nhiều hàng xóm thân thiết sang hỏi thăm nên chị Hiền phải ở nhà để tiếp đón.
Cuộc sống trên phố Hàng Giầy vẫn diễn ra như mọi ngày nhưng trong câu chuyện của những người dân có nhắc lại kỷ niệm và cảm nhận về NSƯT Phạm Bằng.
Hai cụ ông cao tuổi ngồi uống nước trước cửa nhà đối diện số 30, Hàng Giầy từ sớm. Họ cho biết, dù đều đã lớn tuổi nhưng vẫn là bậc đàn em của NSƯT Phạm Bằng vì ông là một trong những người cao tuổi nhất phố.
“Tôi biết bác ấy từ khi còn nhỏ, chúng tôi đều là người gốc ở đây. Dù là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng bác rất thân thiện và hòa đồng với mọi người. Bác ấy cũng bận nên chúng tôi không gặp nhau thường xuyên. Nhưng khi gặp đều niềm nở, bắt tay chào hỏi” – cụ ông hơn 70 tuổi nói.
Cụ ông cũng cho biết hiếm có nghệ sĩ nào được như Phạm Bằng. Là người nổi tiếng nhưng Phạm Bằng vẫn bán bánh trôi tàu. Cửa hàng của ông rất đông khách đến ăn, có cả người nước ngoài. Ông chỉ mới nghỉ thời gian gần đây vì sức khỏe yếu hơn.
Một cụ ông khác vừa nhấc chén trà nóng vừa chia sẻ: “Bác ấy được hàng xóm láng giềng nể trọng không chỉ vì bác ấy là một trong những người cao tuổi nhất phố mà còn vì bác ấy bình dị, đàng hoàng, chỉn chu và biết trước biết sau”.
“Đằng sau sân khấu Phạm Bằng là một người hết sức bình thường. Bác ấy bán hàng chân chính, tự lo cho bản thân. Hơn 80 tuổi, bác ấy vẫn chạy xe máy đi diễn, đi chơi trong Hà Nội” – cụ ông nói thêm.
Trong cuộc trò chuyện, hai người hàng xóm lâu năm của cố nghệ sĩ Phạm Bằng cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi ông chưa được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân dù hơn 20 năm trước đã được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Tin lũ khẩn cấp tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và chỉ đạo ứng phó
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vừa phát đi tin lũ khẩn cấp trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và tin lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai (PCTT); Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện chỉ đạo ứng phó mưa lũ.
Lũ trên sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đã đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa là 7,93 (11h/01), trên BĐ3 1,43m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2,93m (12h/01), trên BĐ3 0,23m.
Lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên.
Mực nước lúc 13 giờ ngày 01/11 trên các sông như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 14,21m, trên BĐ3 0,71m; tại Hòa Duyệt 8,98m, ở mức BĐ2; sông Gianh tại Đồng Tâm 15,41m, dưới BĐ3 0,59m, tại Mai Hóa 7,89m, trên BĐ3 1,39m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 2,91m, trên BĐ3 0,21m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 3,09m, trên BĐ1 0,59m.
Dự báo: Lũ trên sông Ngàn Sâu và sông Thạch Hãn tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh vào chiều tối nay, đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 14,4m, trên BĐ3 0,9m; trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn ở mức 4,5m, trên BĐ2 0,5m; tại Hòa Duyệt đạt đỉnh vào sáng sớm mai (02/11) và ở mức 9,7m, trên BĐ2 0,7m.
Lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục lên, đến đêm nay (01/11) mực nước các sông dao động ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Lũ trên sông Gianh và sông Kiến Giang tiếp tục xuống. Đến đêm nay (01/11), mực nước tại trạm Mai Hóa xuống mức 5,5m, trên BĐ2 0,5m, tại Lệ Thủy xuống mức 2,5m, dưới BĐ3 0,2m.
Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng xảy ra tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình) với độ sâu ngập khoảng 1-2,5m.
Cảnh báo: Trong đợt lũ từ ngày 01 đến ngày 04/11, mực nước trên các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên mức BĐ3; các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên.
Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2- 3.
Chỉ đạo ứng phó mưa lũ
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai (PCTT); Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có Công điện số 33/CĐ-TW ngày 31/10/2016 điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh thành phố ven biển từ Nghệ An đến Ninh Thuận; Ban Chỉ huy các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đối phó mưa lũ.
Theo đó để chủ động đối phó với mưa lũ ở các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ 13-18/10 vừa qua, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các bộ ngành, địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đối với các khu vực đã bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống đợt mưa lũ mới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân.
Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ.
Chỉ đạo kiểm tra các hồ chứa, chủ động việc xả lũ đảm bảo an toàn cho đập và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý.
Tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối.
Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
* Cùng ngày (31/10), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu (ƯPVBĐKH), phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Ninh Thuận; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Tổng cục VIII, K20; Cục C66, C67.
Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với các tình huống của mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 33/CĐ-TW ngày 31/10/2016 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với mưa lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó.
Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phối hợp triển khai công tác sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu.