Từ nhỏ tôi đã quen ở với bà ngoại. mẹ bảo tôi bám bà hơn mẹ. Mà cũng đúng thế thật, lúc đấy nhà tôi còn ở chung với bà, bố mẹ đi làm cả ngày, tôi bám sườn bà mà lớn lên.
Tôi thích ngủ với bà hơn với mẹ. Người bà lúc nào cũng toát ra mùi hương rất dễ chịu, rất ấm áp, thứ mùi của người già lẫn với mùi dầu xoa bóp. Bà tôi không nhai trầu như những bà hàng xóm khác, thế nên 70 tuổi rồi mà răng bà vẫn đều và không xỉn màu vì nhựa trầu cau.
Bà ngoại hiền lành lắm, trong ký ức tôi, chưa bao giờ tôi thấy bà cáu gắt, nặng lời với bất kỳ đứa cháu nào. Bà tôi có 7 cháu trai, 2 cháu gái, trong đó tôi là đưa cháu được bà cưng nhất. Chắc tại tôi ở với bà từ lúc sinh ra, cũng là đứa cháu duy nhất ở cạnh bà lúc bà xuôi tay nhắm mắt.
Tôi không nhớ nổi những chuyện từ khi mình còn nhỏ, chỉ nhớ hồi tôi tầm 3, 4 tuổi, bà ngoại bế tôi ra ao xem cá, ra đến ngoài ao, bà tôi đột nhiên hoa mắt, chóng mặt do huyết áp tăng đột ngột, thế là bà ngã ngồi xuống cầu ao, còn tôi thì rơi tõm xuống nước. May lần đấy mẹ tôi nhìn thấy kịp, mẹ thì nhảy ào xuống ao bế tôi lên, còn bố tôi thì vội vã cõng bà ngoại vào nhà. Sau lần đấy bà cạch không bao giờ dám đưa tôi ra xem cá nữa. Bà cứ ân hận mãi, bảo nếu không phải mẹ tôi nhìn thấy kịp thì tôi đã bị bà hại chết rồi. Mẹ phải an ủi bà mãi, bà mới chịu thôi.
Tôi thích nhất trời mùa đông, lúc tôi học bài xong bà đã đi nằm trước rồi. Tôi chui vào chăn, người ngợm buốt như đóng băng, bà lại giục “Nhanh, nhanh vào đây cho ấm”. Tôi rúc sâu vào bà, kẹp đôi chân lạnh ngắt của mình giữa đùi bà, cảm giác ấm áp ấy, đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên.
Tôi lớn lên, xa nhà đi học Đại học, chẳng được ngủ cùng bà nữa, mỗi lần về nhà bà lại mừng rỡ, có gì ngon cũng để phần tôi. Buổi tối, tôi đi chơi với đứa bạn chưa kịp về, bà lại để cửa, ra ngóng vào ngóng xem tôi đã về chưa. Bà vẫn giữ thói quen gọi tôi là Cún, dù lúc ấy tôi 20 tuổi rồi.
Bà già rồi, ngủ rất ít, có khi 1 ngày vô tuyến chiếu 10 phim thì bà xem đến 9, tôi xót ruột giục bà đi ngủ, bà bảo bà không ngủ được. Bà ngoại bị bệnh tim đã gần 10 năm, lại huyết áp cao nên ngủ ngáy. Có nhiều đêm nằm cạnh bà, tôi không sao chợp mắt nổi vì tiếng kéo gỗ cứ ầm ầm bên tai, nhưng lại chẳng dám đánh thức bà, sợ gọi bà dậy bà lại chẳng ngủ lại được nữa. Thế mà lâu dần cũng thành quen, thiếu tiếng ngáy của bà lại nhớ. Bây giờ, bà mất rồi, nhiều đêm tôi nằm nhớ bà, nhớ giọng nói, nhớ tiếng ngáy của bà đến rơi nước mắt. Chỉ ước có bà ở bên, để được ôm bà, rúc vào bà mà không được.
Bà ngoại… (Ảnh minh họa) |
Năm tôi học năm 3 Đại học, việc học bận rộn khiến tôi chẳng thể về nhà được. Bà ngoại khăng khăng đòi mua điện thoại bằng được, hóa ra để bà gọi cho tôi. Thế mà lúc ấy tôi vô tâm, rất khi gọi điện cho bà, tôi còn mải mê với bao nhiêu thứ. Một ngày, gọi điện cho bà, bà bảo bà ốm lắm, không đi lại được, không hiểu sao lúc ấy trong lòng bỗng dâng lên một dự cảm chẳng lành.
Bà ngoại mất đến giờ cũng gần tròn một năm, tôi vẫn chưa quen được cảm giác mình không còn bà nữa. Mỗi lần về nhà, nhìn xuống khoảng sân rộng, vẫn thấy hình ảnh bà đi đi lại lại quét dọn, phơi phóng. Rồi chiều chiều, vẫn bắt gặp cảnh bà mang ghế ra đầu hè ngồi chơi, nhìn mấy đứa cháu nhỏ nô đùa, ầm ĩ. Thỉnh thoảng, bà đứng lên đi lấy cái quạt, hay cốc nước cho đứa cháu mải nô mà mồ hôi đầm đìa như tắm.
Bà đi rồi, trong lòng tôi lúc nào cũng thấy trống trải và nhớ thương bà vô tận. Tôi biết quy luật sinh lão bệnh tử rồi ai cũng phải trải qua, nhưng chỉ thấy xót xa bà, cực khổ cả đời đến lúc được hưởng chút an nhàn tuổi già thì đã vội đi.
Bà sang bên kia núi gặp ông rồi, không biết bà có vui không. Nhưng nhiều khi tôi cứ thầm khóc, tự hỏi với lòng mình “Cháu nhớ bà lắm, bà có nhớ cháu không”.
Luôn chờ em cúp máy trước
(Xi nhan) – Tình yêu đôi khi thật giản đơn, chỉ một chút đợi chờ, đã có thể nói lên tất cả. |
Có một tình yêu không thể nghi ngờ
(Xi nhan) – Lưu Cương bật ra tiếng khóc xé nát tâm can: “Cha… con sửa…”… Phía bên ngoài phòng thăm nuôi dần dần tối đen, tiếng khóc đau thương thấu tận trời xanh… |
Cô gái Hà Giang: “Các bạn đang làm gì với quê hương tớ vậy”
(Xi nhan) – “Các bạn đang làm gì với quê hương tớ vậy? Các bạn lên Hà Giang như lên theo phong trào cho vui, chứ đâu phải là trải nghiệm về cuộc sống, con người nơi đây?”. |