Vấn đề công nhận hay không công nhận mại dâm lại nóng lên sau khi có đề xuất lập “phố nhạy cảm” tại Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Bài viết Công nhận mại dâm, hãy có cái nhìn công bằng! của tác giả Trần Đình Thu trên tôi viết đã nhận được phần lớn ý kiến đồng tình. Riêng tôi, tôi không đồng ý với việc lập ra những khu “phố đèn đỏ” và tôi đang chờ những người đồng tình với việc lập “phố đèn đỏ” giải quyết những câu hỏi đang đặt ra.
Trước tiên, người ta có thể khẳng định rằng tình dục là nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng khi cho rằng, hiếp dâm giết người là do “thiếu thốn tình dục” gây ra thì có dám chắc rằng hợp pháp hóa mại dâm, lập “phố đèn đỏ” sẽ hạn chế được tội phạm hiếp dâm? Có lẽ nhiều người không nghĩ tới việc, nếu có tiền để thỏa mãn nhu cầu của mình thì tên tội phạm đó chỉ bị xử phạt hành chính (về hành vi mua dâm) chứ không phải bị xử lý hình sự.
Ảnh minh họa. |
Việc lập ra một khu phố gọi là “phố nhạy cảm”, “phố đèn đỏ” được ủng hộ vì họ cho rằng có thể dễ quản lý, giúp cho người hành nghề mại dâm không phải chịu sự cai quản của bọn ma cô, không phải chấp nhận luật rừng. Vậy có ai dám chắc, chính quyền nơi có khu “phố đèn đỏ” sẽ quản lý tốt, chặt chẽ chuyện này? Nếu có những vấn đề mâu thuẫn với “khách hàng” của mình thì sẽ có bao nhiêu phần trăm những người hành nghề mại dâm – vốn là nhóm yếu thế – được bảo vệ trước những người lắm tiền nhiều của? Và, đã có ai nghĩ tới chuyện sẽ xuất hiện một lực lượng “ma cô hợp pháp” tại đó, cùng câu hỏi: ai dám chắc nó không xảy ra?
Vấn đề bệnh xã hội cũng được đặt ra nhưng dường như người ta đã quên rằng, hiện nay, việc mua những chiếc bao cao su là rất dễ dàng. Và có lẽ, người ta cũng quên luôn việc người bán, mua dâm cũng hiểu việc họ đang làm và họ sẽ phải làm gì để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.
Nói về nhân phẩm, việc tập trung những người “hành nghề mại dâm” vào một khu để “khách hàng” lựa chọn có làm cho họ nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh (hay thậm chí là từ khách hàng của họ)? Và khi người hành nghề mại dâm đa phần là vì hoàn cảnh thì việc đứng hợp pháp trong khu “phố đèn đỏ” có làm cho họ cảm thấy tự hào vì họ kiếm tiền bằng chính cơ thể của mình?
Hợp pháp hóa mại dâm đồng nghĩa với việc những ông chồng (có thể sẽ có một số ít bà vợ) được thoải mái quan hệ ngoài luồng vì họ được pháp luật thừa nhận. Tất nhiên, nếu chuyện này xảy ra thì lại phải giải quyết những hậu quả xã hội của những gia đình rạn nứt vì những nguyên nhân từ “phố đèn đỏ”.
Một vấn đề nữa cần phải bàn là, khi mại dâm được công nhận là một nghề, những người ủng hộ nó có lường trước việc “lực lượng lao động” của nghề này sẽ tăng như thế nào, “khách hàng” tăng nhanh ra sao? Với một mảnh đất màu mỡ được gọi bằng hai chữ “hợp pháp”, người ta sẽ đua nhau gieo vào đó những hạt giống mang tên “việc nhẹ, lương cao” (nếu “lương” không cao thì người ta lại ra ngoài làm chui thôi). Và sẽ ra sao nếu một số lượng không nhỏ người lao động thay vì lao động trong phòng thí nghiệm, công trường, nhà máy để tạo ra những sản phẩm vật chất cho xã hội thì lại “lao động trên giường” từ ngày này qua ngày khác?
Cuối cùng, tôi còn một câu hỏi dành cho những người ủng hộ lập “phố đèn đỏ” là: họ thật sự muốn quản lý tốt hơn, muốn người hành nghề mại dâm được pháp luật bảo vệ, không còn phải chịu sự quản lý của những tên ma cô hay chỉ là muốn việc mua dâm của họ được hợp pháp hóa? Có lẽ đây là câu khó trả lời nhất.
Công nhận mại dâm, hãy bỏ tấm áo đạo đức giả đi!
Mại dâm có từ thời cổ xưa và sẽ tồn tại cùng với loài người, dù trong một đất nước cấm gắt gao hay trong một xã hội đối xử thoáng với nó. |
Lập “phố nhạy cảm”: Công nhận “lao động tình dục” là hợp pháp?
Những chuyện bi hài như công an phải bỏ tiền túi nộp phạt cho cave khiến nhiều chuyên gia cho rằng nên công nhận mại dâm là một nghề để có biện pháp quản lý tốt nhất. |