Nghị lực phi thường của người mẹ
Những ngày qua dư luận dậy sóng cảm phục trước sự nỗ lực phi thường của sản phụ Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, Hà Tĩnh). Theo đó chị Trâm bị ung thư phổi giai đoạn cuối và mới biết tin vào tháng thứ 5. Khi ấy bác sĩ đã khuyên chị Trâm nên bỏ thai để điều trị bệnh nhưng chị đã từ chối và quyết giữ cho bằng được đứa con.
Nhiều người cảm phục trước nghị lực phi thường của người mẹ ung thư đến thăm hỏi động viên. |
Trải qua 5 ngày sau sinh, sản phụ Đậu Thị Huyền Trâm còn rất đau và yếu. Chồng chị luôn phải túc trực để xoa cho chị bớt đau. Nhiều người biết tin đến chia sẻ nhưng chị không thể nói chuyện nhiều.
Nhìn vợ, anh T chồng chị Trâm xót xa: “Những ngày này tôi biết vợ mình rất đau nhưng vẫn cố chịu dựng. Tuy nhiên nỗi đau thì vẫn chịu được nhưng nỗi nhớ con, tình mẫu tử thì không thể. Ngày nào Trâm cũng chỉ chăm chăm lo cho sức khỏe của con vì cháu còn yếu. Trâm hay khóc vì thương nhớ con, không được ở gần con…”, nói đến đây anh T nghẹn ngào…
Im lặng một lúc anh T chia sẻ, vợ chồng anh lấy nhau được một thời gian chưa có con nên rất trông chờ. Khi biết có thai cả hai đều háo hức chờ đợi ngày được làm cha mẹ. Vậy mà niềm vui ấy chưa được bao lâu, Trâm nổi hạch ở cổ khi thai đang ở tuần thứ 11.
Lúc này Trâm thấy khó thở nhưng đi khám cũng không ra bệnh. Mãi đến tuần thứ 19 Trâm khám lại thì được bệnh viện K chuẩn đoán ung thư màng phổi di căn và khuyên nên bỏ con để giữ mẹ và điều trị sẽ hiệu quả hơn.
“Khi biết tin “sét đánh” mọi người trong gia đình đều khóc và bối rối. Còn Trâm không chần chừ mà quả quyết sẽ giữ lại con. Lúc này Trâm chỉ hy vọng có thể cầm cự để con chào đời khỏe mạnh mà không nghĩ gì cho mình cả”, anh T bùi ngùi.
Chồng chị Trâm ân cần chăm lo cho vợ. |
Kể về những ngày nỗ lực chống chọi với bệnh tật trong thời gian mang thai, bà Lan (mẹ ruột của Trâm) rơm rớm nước mắt: “Suốt 4 tháng trời (từ lúc u hạch nổi) khi mang bầu Trâm không ngủ được, ăn uống kém. Những cơn đau của bệnh ung thư giày vò từng giây từng phút nhưng Trâm vẫn cố gắng cầm cự mong ngày con được sinh ra. Cháu thậm chí còn không nghĩ sau khi sinh con mình vẫn sống…”.
Đến tuần thai thứ 27, khó thở không chịu được nữa, Trâm vào Bệnh viện K cơ sở 1 tại Quán Sứ, Hà Nội điều trị. Một tuần sau khó thở hơn nữa nên Trâm phải chuyển vào nằm khoa hồi sức.
Sản phụ ngồi mổ lấy con
Nói về trường hợp của sản phụ Trâm, bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó khoa gây mê hồi sức (Bệnh viện K), người trực tiếp điều trị cho sản phụ này cho biết: Bệnh nhân vào viện khi thai được 27 tuần, tình trạng sức khỏe yếu, suy hô hấp khó thở, tràn dịch màng tim, màng phổi.
Tuy nhiên lúc này các bác sĩ cũng thống nhất không thể mổ lấy thai nhi, thay vào đó cố gắng duy trì em bé ở trong bụng mẹ được ngày nào tốt ngày ấy.
Chị Trâm khiến các y bác sĩ vô cùng cảm phục. |
Đến tuần thứ 29, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đề nghị đồng nghiệp ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh.
“Các y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) – những người đã tiến hành ca mổ đẻ cho thai phụ Trâm vô cùng xúc động và cảm phục đó là: Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, hạch dày đặc hai bên cổ, cộng thêm khối u trung thất khiến khó thở. Hơn nửa tháng nằm viện, bệnh nhân không thể thở được mà phải ngồi 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư.
Rồi khi mổ lấy con, sản phụ phải ngồi, hai y tá đỡ hai bên lưng, bác sĩ cúi ngang bàn để mổ lấy thai. Mặt khác các y bác sĩ chỉ gây tê tủy sống, trong khi mổ bệnh nhân gần như tỉnh táo và rất đau. Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng hầu hết các bác sĩ cũng vô cùng lo lắng cho tính mạng hai mẹ con.
Nhưng may mắn ca mổ lấy con tạm thời thành công bước đầu. Cháu bé vẫn sống sót nặng 1,2kg và được gia đình đặt tên là bé Gấu.
Bé Gấu hiện đang được nằm trong lồng kính Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh. |
Ngay sau khi chào đời, thai nhi đã được các bác sĩ cho vào lồng ấp và chuyển thẳng đến BV Phụ sản Trung ương điều trị. Được biết đến thời điểm này, sức khỏe bé trai sơ sinh dần được cải thiện và vẫn đang được theo dõi đặc biệt tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bệnh nhân Trâm đã tỉnh và đang được điều trị tích cực, sức khỏe có cải thiện hơn”, bác sĩ Thọ chia sẻ.
Cám ơn Gấu, vì con đã đến nơi an toàn…
BS Nguyễn Liên Phương, Phó trưởng khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp tham gia ca mổ đặc biệt này hồi tưởng lại trong nỗi xúc động trào dâng, đây lần đầu chị mổ cho bệnh nhân trong tư thế ngồi, bác sĩ cúi đầu ngang bàn để mổ, bệnh nhân suy yếu nên phải cố gắng mổ thật nhanh. Điều này cũng không phải dễ dàng khi phải mổ dọc, ruột dồn hết xuống vị trí mổ. Trong lúc đó, hai y tá nâng đỡ sau lưng bệnh nhân, một người phải nâng thành bụng. Các bác sĩ vừa chiến đấu với thời gian, vừa tập trung để không xảy ra sơ sót gì, vì người mẹ đã quá yếu.
Sau gần 1 giờ căng thẳng, ca mổ cuối cùng đã hoàn thành tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, em bé sinh ra là một bé trai nặng 1,2 kg đã được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời để được hỗ trợ nuôi dưỡng trong lồng ấp. Bé được gia đình đặt một cái tên dễ thương là Gấu với kỳ vọng khi lớn lên bé sẽ luôn khỏe mạnh và dũng cảm.
Hiện tại sức khỏe bé Gấu đã khá ổn định. |
Cám ơn Gấu, con đã không phụ lòng mẹ suốt nhiều tháng ròng cầm cự với cơn đau, chiến đấu với bệnh tật mà không màng sức khỏe của bản thân. Cám ơn MẸ của Gấu, người phụ nữ có trái tim quả cảm, đã chứng minh một điều: Tình yêu mà mẹ dành cho con là vô bờ bến. Sợi dây vô hình nối giữa Mẹ và con là tình mẫu tử, là những điều không thể diễn đạt bằng lời nhưng rất đỗi thiêng liêng. Nó đã khiến mẹ đủ dũng cảm để hy sinh, để vượt qua điều mà tưởng chừng như sẽ quật ngã Mẹ.
Xúc động: Những người mẹ ung thư vẫn nhường sự sống cho con
(Xã hội) – (Phunutoday) – Mặc dù mang trong mình những căn bệnh ung thư quái ác nhưng những người mẹ này vẫn dũng cảm đương đầu giành giật sự sống, bảo vệ con. |