Bác sĩ Đào Văn Giang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bé Q.C được đưa vào viện tối 27/9 trong tình trạng tỉnh với phần da đầu của bé bị lột hoàn toàn, lộ xương sọ.
“Khi nhìn thấy bé, ngay lập tức chúng tôi hỏi: “Mảnh da đầu của cháu đâu”, người nhà vội điện thoại về nhà ra hiện trường tìm thấy mảnh da đầu, mang thẳng lên bệnh viện. Mảnh da đầu vẫn còn gần như nguyên vẹn”, BS Giang cho biết.
Để thực hiện ca phẫu thuật này, Bệnh viện Việt Đức đã phải huy động hai kíp mổ tiến hành song song để dùng kính hiển vi phẫu thuật, soi tìm mạch máu có thể nối được ở mảnh da bị đứt rời.
Sau 7 giờ thực hiện ca phẫu thuật, bác sĩ đã ghép lại hoàn toàn vùng da đầu bị lột của cháu bé.
Đến nay, sau 2 tuần được nối, da đầu của bé đã sống lại, tóc bắt đầu mọc. Chỉ 1 – 2 ngày tới bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật vi phẫu tỉ mỉ, nối lại da đầu cho bệnh nhân bị lột da đầu, trơ hộp sọ. Trước đó, bệnh viện tiếp nhận một số ca tương tự ở người lớn, do bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động khiến tóc cuốn vào máy, giật phăng da đầu khỏi hộp sọ.
Tuy nhiên, đây là trường hợp trẻ nhỏ 2 tuổi đầu tiên bị lột da đầu mà các bác sĩ gặp. Việc can thiệp, nối vi phẫu ở trẻ nhỏ gặp khó khăn hơn người lớn do mạch máu có kích thước rất nhỏ, chỉ vào khoảng 0,6-0,7mm, chưa kể nguy cơ tắc mạch sau nối là khá cao.
Theo TS Hà, đây cũng là ca ghép da đầu nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam. Còn trên y văn thế giới, qua tìm hiểu các bác sĩ mới ghi nhận báo cáo ca nối ghép da đầu vi phẫu nhỏ nhất là 4 tuổi.
Bảo quản da đầu, bộ phận đứt rời như thế nào?
BS Hà cho biết thêm, đến nay, chưa có phương pháp tạo hình nào có thể phục hồi hoàn toàn cấu trúc giải phẫu, chức năng cũng như tính thẩm mỹ của da đầu. Vì thế, chỉ có nối lại da đầu thì mới trở lại chức năng bình thường vừa bảo vệ hộp sọ, vừa có thể mọc được tóc. Vì thế, khi không may bị tai nạn lột da đầu, hay đứt rời bất cứ bộ quận cơ thể nào, mọi người cần nhớ, bên cạnh việc di chuyển người bệnh tới cơ sở y tế, hãy mang theo bộ phận cơ thể đứt rời được bảo quản đúng cách để bệnh nhân có cơ hội được nối lại.
Khi bị lột da đầu hay bộ phận cơ thể, cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín không để nước vào. Sau đó lại cho túi này vào một túi nilon có đựng nước, buộc kín rồi mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phần đứt rời. Việc nối bộ phận đứt rời càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao. Theo đó, nếu bệnh nhân được nối sau 6- 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80% cho phần bị đứt rời vào túi nilon sạch.
Trong trường hợp bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn mà hãy dùng gạc băng lại, rồi đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
Theo BS Hà, từ ngày 16/10 đến 19/10 khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ của Bệnh viện Việt Đức sẽ đón một đoàn các chuyên gia đầu ngành đến từ các đại học y danh tiếng của Vương quốc Anh… chuyên về tạo hình Tai do dị tật không có tai hoặc tai nhỏ bẩm sinh hoặc đứt rời tai do chấn thương.