Lắng nghe để thấu hiểu
Cái ồn ào, tấp nập của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới lặng dần sau mỗi bước chân tiến đến khoa E – nơi khám chữa, điều trị cho bệnh nhân HIV-AIDS. Nằm im lìm trên tấm ga trắng muốt ở phòng cách ly là bệnh nhân nam có tấm thân gầy, khô quắt, gương mặt đầy mụn nhọt, đóng vảy thâm sì, mũi gắn ống thở, đôi mắt anh như ngây dại, vô hồn. Cứ vài giờ, bằng sự kiên nhẫn và tận tâm, nữ điều dưỡng lại đo huyết áp rồi đem tấm drap mới thay cho bệnh nhân – việc mà thân nhân của anh từ lâu đã sợ không dám làm. Tôi bỗng rùng mình khi nghe chị Oách Kim Nhung, Điều dưỡng trưởng Khoa E cho biết: “Khoa có 23 nhân viên nhưng có đến 3/4 số người đã bị phơi nhiễm với HIV”. “Vậy điều gì giữ chị ở lại nơi đặc biệt này suốt 25 năm?”. Chị mỉm cười trả lời: “Vì nặng một chữ tình”.
Năm 1991, cô điều dưỡng trẻ Oách Kim Nhung được phân công về Khoa nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM (chăm sóc cả bệnh nhân HIV, viêm gan siêu vi B, C). Mới rời ghế nhà trường, trong lòng còn biết bao hoài bão, ước mơ cống hiến cho nghề nên Nhung chẳng hề biết sợ là gì. Nhưng khi tham gia chăm sóc ca nhiễm HIV đầu tiên, cô điều dưỡng trẻ ngay lập bị “choáng” bởi những bệnh nhân lở loét khắp mình mẩy, những vết thương bị hoại tử rộng ngoác, thậm chí còn bị bệnh nhân hung hãn đuổi đánh, đâm kim tiêm vào người. Bởi vậy, có rất nhiều điều dưỡng sáng mới nhận việc, chiều đã nộp đơn xin nghỉ.
Là người phụ nữ “thần kinh thép”, chị Nhung đã chọn cách mỉm cười để an ủi, chọn cách tận tâm để xoa dịu, chọn cách gần gũi để thấu hiểu bệnh nhân. Chị chia sẻ: “Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, cuộc đời của họ, tôi thấy đáng thương và cảm thông bởi hầu hết bệnh nhân đều có số phận éo le, đau buồn cả. Khi mắc bệnh thì bị người thân, gia đình xa lánh. Nếu như bác sĩ, điều dưỡng không làm tròn trách nhiệm, hết lòng thì việc giữ lại cuộc sống vốn đã mong manh với họ lại càng khó”.
Đọng mãi trong tâm trí chị là hoàn cảnh thương tâm của một nữ bệnh nhân quê ở Châu Đốc (tỉnh An Giang). Năm 2010, một thai phụ bị nhiễm HIV được chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Thai đã hơn 9 tháng nên không kịp chuyển đi đâu mà phải đỡ đẻ ngay tại Khoa nhiễm E. Sau khi đỡ ra, em bé được chuyển ngay qua Bệnh viện Từ Dũ, còn người mẹ vẫn tiếp tục điều trị tại đây. Toàn thân của bệnh nhân lở loét, đầy mủ máu khiến ai cũng ái ngại. Điều dưỡng Nhung đã nhận chăm sóc, vệ sinh, tắm rửa cho nữ bệnh nhân này. “Điều mãi ám ảnh tôi chính là đôi mắt sâu thẳm, khát khao tình mẫu tử của bà mẹ trẻ. Cô ấy nhìn tôi và cầu xin hãy cho được gặp và bế đứa con bé hỏn dù chị một lần. Tôi động viên và nói điều trị tốt sẽ xuất viện gặp con. Nhưng vết thương tiến triển rất nhanh, thấu đến tận xương tủy nên cô ấy đã qua đời. Tôi nghẹn ngào, đau đớn bởi khát khao giản đơn của một người mẹ còn đang dang dở”, chị tâm sự.
Chữ “tình” trong nơi “thâm cung bí sử”
Khoa nhiễm E chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV nên mọi thứ đều được làm theo đúng quy trình chống lây nhiễm. Nhưng các y, bác sĩ, điều dưỡng không sao tránh khỏi những “tai nạn nghề nghiệp”. Chị Nhung kể: “Hầu hết bệnh nhân là con nghiện, dân ăn chơi, bụi đời nên họ nói năng rất thô tục. Thậm chí, mỗi lúc chán đời, họ lại muốn cho mình nhiễm chung bệnh. Hôm đó, tôi chích thuốc cho một nam bệnh nhân nghiện ma túy rất nặng. Khi đang chích thì bệnh nhân bỗng lên cơn, nổi cáu rồi nắm lấy ống xi lanh, rút ra và đâm thẳng vào vai tôi. Một nữ điều dưỡng khác bị bệnh nhân lên cơn đói thuốc bóp chặt cổ. Trong quá trình giằng co, chị đã bị cào cấu trầy xước. Chúng tôi phải uống thuốc chống phơi nhiễm cả tháng trời”.
Mặc dù chị Nhung được chồng con cảm thông, chia sẻ nhưng nhiều lần chị cũng vấp phải sự phản đối của bố mẹ chồng vì sợ “mang bệnh về nhà”. “Không dễ để thuyết phục người thân cho mình theo “nghề nguy hiểm này”. Ở Khoa, rất nhiều bạn trẻ dù rất yêu nghề nhưng không dám nói về công việc của mình cho người yêu, gia đình biết. Tôi thường khuyên các điều dưỡng trẻ là phải biết kiên trì, dùng cách “mưa dầm thấm lâu” và minh chứng rằng mình vẫn luôn “sống khỏe” thì mới dần có hiệu quả được”, chị chia sẻ.
Nguy hiểm, khó khăn, vất vả là thế nhưng suốt 25 năm, chưa khi nào chị Nhung lại nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ công việc này. Chị tâm sự: “Tôi không nghĩ rằng mình chọn công việc này, mà chính nó đã chọn tôi bởi chữ “tình” trong đời. Có những bệnh nhân cơ thể gầy gò yếu ớt, lở loét và bị mắc nhiều bệnh nặng, tôi có cảm giác lúc đó bệnh nhân khó có thể sống được. Thế nhưng sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã dần khỏe lại. Đó là một điều kỳ diệu. Điều đó như truyền thêm động lực để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục gắn bó với công việc”.
Không ít lần, tôi bắt gặp những người mang “án tử” hướng ánh nhìn xa xăm, vô định vào khoảng không mênh mông. Điều dưỡng Nhung bảo, chị đã chứng kiến nhiều cái chết đầy day dứt của bệnh nhân HIV. Có bệnh nhân trẻ tuổi “khát” sống đến sục sôi và hoảng loạn cực độ khi biết mình sắp qua đời. Nhiều đám tang không có một giọt nước mắt của người thân. Có chăng, chỉ là lòng trắc ẩn, giọt nước mắt của những người từng chăm sóc họ. Chị bộc bạch: “Rất nhiều bệnh nhân chịu sự ruồng rẫy của chính gia đình, người thân. Vì vậy, tôi mong rằng, chúng ta hãy giang rộng vòng tay yêu thương, chia sẻ, động viên để giúp họ có thêm những tia hi vọng để trải qua những tháng ngày đớn đau, tuyệt vọng để “gác lại” một quá khứ buồn mà tự tin và khát khao làm được những điều có ích trong cuộc sống”.
Chị Oách Kim Nhung, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm E – Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM:
– Chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS là quá trình theo dõi dịch, bệnh từ khi phát hiện ra họ đã nhiễm HIV nhằm duy trì, điều chỉnh các khả năng bình thường của cơ thể, tạo được trạng thái thoải mái về vật chất, tinh thần cho họ, hạn chế sự phát triển của HIV để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
– Điều trị người nhiễm HIV/AIDS là sử dụng tổng hợp các phương tiện (thuốc, phương tiện vật lý, biện pháp vệ sinh, tập luyện thể dục, thể thao, lao động, dưỡng sinh tâm lý học, các kinh nghiệm y học cổ truyền…) nhằm góp phần làm ổn định sức khỏe, hạn chế sự tàn phá của dịch bệnh, kéo dài sự sống của bệnh nhân.
Điểm lưu ý khi chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS:
– Bình đẳng, không kỳ thị với người bệnh.
– Chăm sóc, điều trị chu đáo, không né tránh, sợ hãi gây cảm giác xa lánh cho bệnh nhân.
– Bảo đảm vệ sinh, an toàn trong ăn uống, sinh hoạt. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với cán bộ, nhân viên y tế trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân, bảo đảm chăm sóc điều trị trực tiếp, liên tục và báo cáo kịp thời khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS.
– Tuyệt đối an toàn khi truyền máu.
– Cần kết hợp các phương pháp điều trị tây y và đông y, vừa điều trị bệnh lý, vừa tác động tâm lý.