Theo báo Vietnamnet trước đó, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phản ánh với báo chí về việc con em mình bị dán băng dính trong lớp học. Sự việc diễn ra không chỉ với một học sinh nên khiến nhiều phụ huynh bức xúc. “Cháu tôi về kể trong lớp có nhiều bạn bị cô giáo dán băng dính vào mồm vì lỗi nói chuyện riêng. Sau khi các phụ huynh phản đối, cô giáo còn giải thích đó phương pháp sư phạm để áp dụng trong trường hợp học sinh mắc lỗi” – một phụ huynh lớp 3A8 trường này cho biết.
Được biết, sự việc xảy ra từ chiều ngày 23-11, khi trong giờ dạy của cô Phùng Hồng Anh nhiều học sinh nói chuyện riêng, mất trật tự. Cho rằng nhắc nhở không được, cô Phùng Hồng Anh đã dán băng dính vào miệng một số em nói chuyện riêng.
Tuy nhiên, sự việc theo cô Phùng Hồng Anh giải thích chỉ diễn ra trong vài phút. Sau khi bớt nóng nảy, cô đã bỏ băng dính và xin lỗi các em học sinh. Ngay tối hôm đó, cô đã gọi điện cho Trưởng ban phụ huynh học sinh của lớp và từng phụ huynh có con bị phạt xin lỗi về việc làm của mình.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Cách xử lý của cô giáo Phùng Hồng Anh đúng là thiếu chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, cách dạy dỗ phản khoa học. Kể cả dán băng dính vào miệng các em 5 phút với mục đích răn đe cũng là khó có thể chấp nhận.
Hơn thế, khi cô đang giảng bài, phía dưới học sinh nói chuyện mà cô nhắc nhở học sinh vẫn nói chuyện chứng tỏ bài giảng của cô chưa đủ sức thuyết phục để thu hút các em”.
Trao đổi với PV, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Liệt thừa nhận: “Ngay sau khi biết vụ việc trên, ban giám hiệu nhà trường đã họp và yêu cầu cô Phùng Hồng Anh tường trình và rút kinh nghiệm. Có thể nói việc dán băng dính vào miệng học sinh vì nói chuyện, mất trật tự là sai hoàn toàn. Không thể bao biện cho hành vi đó là vì bồng bột.
Giáo viên được đào tạo từ trường sư phạm ra phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản, cần thiết để đứng lớp. Ban giám hiệu cũng xem đây là bài học để các giáo viên, đặc biệt các giáo viên trẻ rút kinh nghiệm sâu sắc. Môi trường sư phạm, đặc biệt tiểu học không thể có cách dạy, giáo dục học sinh như vậy”.
Trước sự việc nghiêm trọng này, cô Phùng Hồng Anh cũng làm đơn xin thôi thử việc tại trường.
Trong đơn, cô Hồng Anh viết: “Mặc dù nhận được sự chia sẻ, thông cảm của các cha mẹ học sinh trong lớp, nhưng sau sự việc xảy ra, tôi thấy mình thật có lỗi và tự bản thân thấy mình cần phải kiềm chế. Tôi cần phải có thêm thời gian suy nghĩ lại việc mình đã làm và cần phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, học hỏi giáo viên lâu năm để có kinh nghiệm trước khi giảng dạy”.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Vừa nghe tin, tôi đã giật mình, tại sao giữa Thủ đô lại có chuyện như vậy xảy ra? Ngay lập tức, tôi đã có chỉ đạo, yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc”.
Cũng theo ông Tiến, quan điểm của Sở là phải nghiêm túc kiểm điểm, phê bình và nhắc nhở, báo cáo Phòng GD&ĐT quận xin ý kiến. Tuy nhiên, do cô giáo đã chủ động xin nghỉ việc nên nhà trường cũng chấm dứt hợp đồng thử việc với giáo viên này.
Được biết, cô Phùng Hồng Anh là giáo viên trẻ, mới tốt nghiệp ra trường năm 2015 và là 1 trong 8 giáo viên mới được nhận thử việc tại trường tiểu học Hoàng Liệt từ năm học này. Cô Phùng Hồng Anh được phân công chủ nhiệm lớp 3A8 với hơn 50 học sinh.