Phụ nữ trong quá trình mang thai
Trong quá trình mang thai, nhiều phụ nữ sợ con không đủ cân nên cố gắng ăn rất nhiều. Sau khi sinh, họ cũng cố gắng tăng khẩu phần ăn để đủ sữa cho con. Tuy nhiên, là phụ nữ thì ai cũng mong có một vóng dáng thon gọn, dễ nhìn.
Theo các bác sĩ sản khoa, không có mối liên quan tỷ lệ thuận giữa mức độ tăng cân của mẹ và trọng lượng thai nhi. Có những trường hợp mẹ tăng cân rất nhiều trong quá trình mang thai và sau khi mang thai nhưng thai lại nhẹ cân suy dinh dưỡng, cũng có những trường hợp ngược lại mẹ tăng cân ít nhưng con lại khá to.
Chẳng hạn như chị Lê Thị Ngọc Hà (30 tuổi, ngụ TP.HCM), trong suốt thời kỳ mang thai chỉ tăng 8 kg. Tuy nhiên, em bé sinh ra nặng được 3,5 kg. Sau sinh 6 tháng, chị Hà đã lấy lại vóc dáng như trước khi mang thai.
Ngược lại, chị Trần Nguyễn Mai Anh (35 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Vợ chồng lấy nhau 8 năm tôi mới có thai. Vì khó có con nên lúc mang thai tôi được chăm sóc rất kỹ, bồi dưỡng đủ chất dinh dưỡng với mong muốn cho con khỏe, không đi lại nhiều vì sợ động thai, suốt thời kỳ mang thai tôi lên 22 kg. Thế nhưng, em bé sinh ra chỉ nặng 2,5kg”.
Sau sinh, chị vẫn tiếp tục tẩm bổ để có nhiều sữa cho con. Hiện nay, sau một năm sinh con, chị không sụt cân được nhiều, chỉ ít hơn lúc mang thai khoảng 4 kg, tức so với lúc trước khi mang thai tăng đến 18 kg.
Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe và trọng lượng lúc đẻ của trẻ liên quan nhiều đến việc người mẹ tăng cân như thế nào trong thai kỳ. Trẻ phát triển nhanh trong tử cung, ước tính thai nhi đang phát triển sản sinh ra 100.000 tế bào não trong một phút. Từ tuần thứ 26 của thai kỳ trở đi, một thai nhi tăng khoảng 30g trọng lượng mỗi ngày. Vì thế trẻ cần rất nhiều năng lượng. Đó cũng là lý do thai kỳ cần phải có nhiều năng lượng kể cả những phụ nữ dư thừa cân nặng.
2. Bạn cần làm gì để lấy lại vóc dang sau sinh?
Theo thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, muốn giữ được vóc dáng như trước khi sinh thì phụ nữ cần lưu ý những điều quan trọng như.
Đầu tiên, trong khi mang thai thì người mẹ cần phải có chế độ ăn hợp lý, đủ chất chứ không phải ăn nhiều (tăng cường thịt, cá, trứng, sữa rau quả tươi, hạn chế đường, tinh bột và chất béo), không để tăng cân quá nhiều. Mục tiêu tăng cân hợp lý là từ 8-12 kg/thai kỳ (trung bình 1-1,5 kg/tháng).
Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm khó giảm cân, da giãn nhanh, rạn da, bụng nhão chảy xệ, hông to, eo to, khó lấy lại vóc dáng cân đối sau sinh.
Thứ 2, giảm cân sau sinh bạn nên có kế hoạch để có thể trở về cân nặng như trước khi có thai trong vòng 6 tháng sau sinh. Thông thường sau khi sinh được 6 tuần, hầu hết chị em đã giảm được ½ số cân đã tăng trong lúc mang thai. Một nửa còn lại sẽ giảm tiếp trong vài tháng sau đó.
Trong thời gian hậu sản (6 tuần đầu), cơ thể cần thời gian để hồi phục, vì vậy bạn hãy nghỉ ngơi trước khi bắt đầu cố gắng lấy lại vóc dáng. Nếu cho con bú, nên chờ sau 2 tháng hãy giảm cân”, bác sĩ Dung khuyên. Mục tiêu giảm 500 – 700 g/tuần là hợp lý.
Để được vậy, chị em cần có chế độ ăn uống hợp lý (giảm 500 calories/ngày) kết hợp với tập thể dục hằng ngày.