L.H kể rằng, có lần một vị khách (là một doanh nhân có tiếng) đang đánh thì bỗng chỉ tay vào cô. Anh bạn cùng ca khẽ nói: “Ổng không hài lòng vì cho rằng chị không hợp tuổi khiến ổng đánh không được, muốn đuổi chị đó!”. “Làm công việc này đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, vì chỉ cần mắc một lỗi nhỏ là có thể bị khách xỉ vả không tiếc lời, bị đánh mà chẳng ai bảo vệ, thậm chí còn bị mất việc như chơi”, L.H bày tỏ.
Những caddy sau thời gian làm việc đã quen mặt và thuộc lòng tính cách của khách. L.H kể: “Có những ông khách chỉ cần nhìn thấy tên trên bao gậy là ai cũng lắc đầu. Vì họ nổi tiếng trong việc “hành” caddy: Đánh hỏng một trái, hay thua cả trận, thì caddy chính là nơi để họ trút giận. Vì thế mà ngày nào cũng vậy, các caddy đều hồi hộp chờ thấy mặt khách để biết được “số phận” của mình ngày hôm đó ra sao”.
Buổi sáng hôm đó, L.H gặp phải một ông khách “hắc ám” hết chỗ nói. Sau mỗi cú đánh hỏng là ông vừa rút ra cọc tiền chung cho “đối phương”, vừa chửi thề, quăng gậy. “Nghe đồn ông ấy là một doanh nhân nổi tiếng lịch lãm. Vậy mà ở đây thì lại quá thô lỗ”, cô nhận xét.
Làm nghề caddy, điều quan trọng nhất là phải biết khôn khéo và chiều khách. Tiền lương chẳng đáng là bao, nguồn thu nhập chính của caddy là tiền bo, nên ai cũng cố gắng làm đẹp lòng các “thượng đế”. Nhưng làm được điều này không hề dễ. Nhóm của L.H có một cô bé trông rất dễ thương, được một ông khách rất ưu ái, có lần kêu vào nhà hàng ăn trưa. Khi cô bé ngồi chưa ấm chỗ, anh quản lý nhà hàng la lên: “Sao em dám vô đây? Chỗ của em dưới kia mà!”, anh ta chỉ tay dưới gầm sàn nhà hàng. Cô bé ngượng ngùng đứng dậy. Vài ngày sau, cô xin nghỉ. Nghe nói cô bé được vị khách “mời” làm vợ bé…
“Ở đây cũng đã có vài cuộc tình caddy – đại gia. Không thiếu người sau khi đánh golf lại rủ một vài caddy xinh đẹp đi ăn uống, sau đó vào… khách sạn. Một số đã trở thành “bồ nhí” của mấy ông khách quen, L.H cho biết. Rồi chỉ tay về phía trong sân, nơi một cô caddy đang khoác vai ông khách tóc bạc trắng, dìu bước trên thảm cỏ xanh rờn.
“Không riêng gì mấy cô caddy, mà ngay những chàng caddy đẹp trai cũng lọt mắt xanh mấy quí bà. Ở đây từng có 2-3 chàng bỏ cái nghề cực nhọc này để làm “trai bao”. Thôi thì đành vậy, cái nghề caddy này không chỉ phục vụ khách trên sân golf, mà nhiều khi còn là để khách mua vui”, L.H thở dài.
Còn có chuyện cô D., một nữ caddy đã có chồng con đầm ấm, nhưng sau một thời gian ngụp lặn trong “thế giới phù hoa”, về nhà thấy chồng “vai u thịt bắp”, suốt ngày làm lụng vất vả, đâm ra… chán, rồi gia đình tan vỡ. “Làm cái nghề này luôn phải đối mặt với nhiều cám dỗ, nên giữ mình, giữ nghề là điều rất khó, không phải ai cũng làm được. Có thể với một số người, cái nghề này chỉ là một bước trung gian để nuôi “mộng lớn”, nhưng cuối cùng thì tất cả đều là phù phiếm, ảo ảnh…”, cô kết luận.
Một đêm khuya trong dãy ký túc xá của các caddy, có tiếng thở dài cùng tiếng khóc tấm tức. L.H khẽ nói: “Sau mỗi ngày làm trên sân chẳng thiếu chuyện để buồn, để khóc. Nhưng đến sáng, tất cả mọi nỗi niềm riêng tư đều phải gác lại, để luôn vui vẻ, “chịu chơi” và sẵn sàng… chịu trận. Nghề này là vậy đó…”.
Chuyện caddy gặp tai nạn, bị thương tích do bóng bay trúng đầu, gậy golf đập thẳng vào mặt… là chuyện khá phổ biến. Caddy không có bất cứ ràng buộc nào với sân golf ngoài việc lãnh tiền công tính theo lao động thực tế. Họ không có bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế nên phải tự chịu rtách nhiệm nếu gặp tai nạn khi làm việc.
Cũng có rất nhiều lý do khiến caddy bị phạt, như không đi làm đúng giờ, bị khách phàn nàn, làm thất lạc đồ của khách, không nhặt rác khi khách đi trên sân… Hình phạt ám ảnh nhất là phải đi nhổ cỏ một tháng, đồng nghĩa với việc tháng đó không có thu nhập.