Thực trạng về chiều cao của trẻ em Việt Nam
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thì chiều cao của người Việt nói chung và của trẻ em Việt Nam nói riêng đều chênh lệch nhiều so với các nước, nhưng không phải do gen di truyền. Bằng chứng là một nhóm nhà khoa học Pháp khi nghiên cứu quần thể dân cư có cha mẹ gốc Việt, nhưng sinh trưởng ở châu Âu, có chiều cao trung bình tương đương với người gốc Pháp.
Theo khảo sát năm 2010, chiều cao nam thanh niên Việt Nam đạt 163,7cm; nữ đạt 153cm; thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới lần lượt là 13,7cm và 10,7cm. Còn với trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức 24,6%, ảnh hưởng lớn đến tương lai thấp lùn của thanh thiếu niên.
Vì sao trẻ lại chậm phát triển chiều cao
Nguyên nhân đầu tiên phải nói tới đó là do trẻ bị suy dinh dưỡng. Thực chất, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng mãn tính sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao.
Cũng có thể do trẻ bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố. Cụ thể là do thiếu nội tiết tố tăng trưởng, khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích nội tiết tố tăng trưởng không đủ, dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu nội tiết tố tăng trưởng. Hoặc khi cơ thể tiết không đủ nội tiết tố tuyến giáp, chậm tăng trưởng có thể xảy ra bởi vì những nội tiết tố này tác động trực tiếp lên sự tăng trưởng và chuyển hóa.
Ngoài ra, trẻ có thể bị chậm dậy thì, lùn do di truyền, chậm tăng trưởng từ trong tử cung, bị mắc bệnh mạn tính hoặc có thể bất thường về nhiễm sắc thể.
Những nguyên tắc vàng giúp bé cao lớn
Bà Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết: “Trẻ em chỉ có 10 năm đầu đời để nhảy bật về thể lực và chiều cao. Trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt trong giai đoạn này sẽ tăng nhiều chiều cao và thể lực khi bước vào lứa tuổi thanh niên”.
Bé cần tập thể thao đúng cách làm tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, khiến hormon tăng trưởng (GH) tiết ra nhiều hơn, giúp tăng trọng khối xương khi trưởng thành.Thời gian tập tối thiểu là 1 tiếng/ngày, với cường độ vừa phải và tăng dần. Nếu thời gian ngắn hơn và chỉ vận động nhẹ nhàng như đi bộ, maratong thì không có tác dụng. Tuy nhiên, các bé cũng nên lưu ý nếu cường độ tập quá căng thẳng sẽ làm tổn thương dây chằng và hệ cơ, gây phản tác dụng.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những yếu tố tác động tới sự phát triển chiều cao của con người là dinh dưỡng (31%), thể thao (20%), di truyền (23%), môi trường (16%) và tâm lý xã hội (10%). Như vậy, chế độ dinh dưỡng là yếu tố tiên quyết với chiều cao của cơ thể. Vì vậy, bố mẹ cần bổ sung dinh dưỡng cân bằng cho trẻ, đặc biệt là bổ sung canxi, vitamin D và MK7.
Đặc biệt nhất là tạo cho trẻ một không gian sống thoải mái và tinh thần luôn vui tươi cũng là một cách hữu ích để con bạn đạt được chiều cao tối ưu.