Về tác giả: Anisa Purbasari – thực tập sinh chiến lược của Business Insider từng là một nhân viên chăm sóc y tế tại Dr Oz The Good Life. Trước khi theo nghiệp báo, cô cũng đã có hai năm làm việc tại một công ty luật ở New Zealand mảng truyền thông và công nghệ. Để kểm tra thử có phải chỉ cần thực hiện theo thói quen của người thành công là bạn sẽ có thể thành công như họ, Purbasari đã bắt đầu cài báo thức vào lúc 4 giờ sáng.
Sau 4 tuần áp dụng các thói quen thường làm vào sáng sớm của Jack Dorsey, Arianna Huffington, Brack Obama và Benjamin Franklin, tôi đã quen dần với việc dậy lúc 5 giờ sáng và tập thể dục trước khi Mặt Trời mọc.
Tuy nhiên, thức dậy vào lúc 4 giờ sáng quả là một thử thách vô cùng lớn. Bởi lẽ, nó sẽ yêu cầu tôi phải đi ngủ sớm hơn, đồng thời làm xáo trộn cả kế hoạch làm việc lẫn giao lưu cùng bạn bè mỗi ngày của tôi nữa.
Tôi không thể nào ra khỏi giường được vào lúc đó, trong cả tuần liền. Thực tế, tôi cố được khoảng 3 ngày và sớm nhất cũng chỉ là 4 giờ 15 phút mà thôi.
Thử nghiệm
Khi áp dụng thời khóa biểu và thực hành theo 13 đức tính của Benjamin Franklin, tôi hoàn toàn gặp rắc rối.
Sau khi thực hiện một vài phân tích và các hướng dẫn từ một người đàn ông đã dành hẳn một năm để cải thiện năng suất làm việc, tôi nhận ra rằng mình đã đặt mục tiêu quá lớn và quá sớm. Chính điều này cũng mở ra rất nhiều “cơ hội” khiến tôi thất bại nhanh chóng ở thứ mà tôi đang cố gắng thực hiện.
Chính vì vậy, tôi đã quyết định thay vì thức dậy vào 4 giờ sáng, tôi sẽ dậy vào lúc 4 giờ 30 và sớm dần 5 – 10 phút vào những ngày sau đó cho tới khi đạt mục tiêu dậy vào lúc 4 giờ. Đồng thời, tôi cũng tập đi ngủ sớm dần cho tới khi tạo được thói quen đi ngủ lúc 9 giờ.
Tôi quyết tâm theo sát kế hoạch này trong 3 ngày, cụ thể dậy lúc 4 giờ 30 vào thứ hai, 4 giờ 20 vào thứ 3 và 4 giờ 15 vào thứ 4.
Mỗi sáng, tôi cũng dành 15 phút để thiền, đọc tin tức và uống trà từ 30 đến 45 phút, tập thể dục 1,5 tiếng, sau đó, chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa trước khi đi làm. Nói chung, tôi đến chỗ làm khoảng 8 giờ 30, sớm hơn một giờ so với ngày trước.
Indra Nooyi được biết đến trong vai trò là CEO của PepsiCo, cũng đồng thời là người phụ nữ đầu tiên được sinh ra bên ngoài nước Mỹ được nắm giữ vị trí này. Năm 2011, Tạp chí Fortune đã hai lần vinh danh bà là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Giống như nhiều CEO và nhà lãnh đạo nổi tiếng khác, bà cũng bắt đầu mỗi ngày của mình sớm hơn rất nhiều so với mọi người: dậy 4 giờ sáng và đến văn phòng lúc 7 giờ.
Ban đầu, mục tiêu của tôi là đến văn phòng lúc 7 giờ như CEO PepsiCo nhưng tôi không thoải mái lắm khi cắt giảm 1 giờ rảnh rỗi lẫn một nửa số thói quen buổi sáng.
Kết quả
Năng suất làm việc của tôi “cao ngất trời” vào thứ hai nhưng tôi nhận ra rằng đến thứ ba và thứ tư thì giảm đột ngột. Lý do vì tôi dậy sớm hơn nhưng lại không đi ngủ sớm như đã lập kế hoạch.
Vào tối thứ 4, tôi đi ăn tối với bạn và về nhà lúc 9 giờ 15 phút, khá sớm nhưng vẫn không đủ để tôi có thể dậy lúc 4 giờ 10 vào sáng hôm sau. Kết quả là tôi không thể nào tập trung làm việc được.
Vì vậy, tôi đã đặt báo thức vào lúc 5 giờ 30 mặc dù nghĩ rằng mình có thể dậy vào lúc 5 giờ. Việc ngủ thêm một chút đã tạo ra sự khác biệt rất lớn khi tôi cảm thấy mình làm việc năng suất hơn bằng cả tuần trước đó cộng lại.
Vào đêm thứ 5 của tuần thử nghiệm, tôi không hoàn thành được những thứ tôi phải làm xong và phải sau 9 giờ tối thì mọi việc mới ổn được. Sau khi chơi một vài game trí tuệ, tôi quyết định sáng sẽ dậy lúc 5 giờ.
Vào sáng ngày thứ 6, tôi vô cùng mệt mỏi, thiếu ngủ, đầu óc lơ mơ, mắt chỉ muốn nhắm lại và cơ thể cảm tưởng như không còn chút năng lượng nào nữa.
Mặc dù vậy nhưng tôi cũng nhận ra rằng mình đã bám sát được kế hoạch ban đầu và đâu là thứ tốt nhất với bản thân. Kết quả, tôi bắt đầu mỗi ngày với tinh thần tốt hơn dù vào giữa buổi chiều, tôi cũng thấy hơi mệt.
Sau một tuần, đối với tôi, cuộc thử nghiệm không hoàn toàn thất bại và nếu không thể thức dậy vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày thì đó cũng không phải là yếu tố khiến ai đó không thành công.
Bài học
Một vài đồng nghiệp của tôi tỏ ra rất ngạc nhiên khi tôi chọn thử nghiệm một thói quen mà khiến tôi phải cần đến 5 giờ để hoàn thành những sở thích cá nhân trước khi bắt đầu đi làm.
Nếu nói không dậy được lúc 4 giờ sáng mỗi ngày là một sự thất bại, tôi cũng vui vẻ chấp nhận điều đó.
Tuy nhiên, việc có thêm thời gian rảnh vào buổi sáng dã giúp tôi tìm ra được kế hoạch hoàn hảo của mình chỉ cần khoảng 3 giờ.
Khoảng thời gian đó cho phép tôi thiền trong 15 – 30 phút, đọc tin tức bên trách trà 30 – 45 phút, tập thể dục 1 tiếng hoặc 1 tiếng rưỡi, nấu bữa sáng, bữa trưa, ăn uống thoải mái, lập kế hoạch ngày mới, sửa soạn trước khi đi làm và đến văn phòng.
Có thể bạn thấy một buổi sáng như vậy có quá nhiều thứ phải làm. Tuy nhiên, bài học mà tôi muốn chia sẻ đó là một buổi sáng chậm rãi, chăm chút cho những thói quen lành mạnh là điều kiện rất quan trọng để giúp bạn có được một ngày làm việc năng động.
Đi bộ trước khi Mặt Trời mọc giúp tôi có cảm giác rằng tôi bắt đầu ngày mới trước những người khác (mặc dù tôi luôn thấy nhiều người đã chạy trong công viên sông Đông vào lúc 5:30).
Sau khi tập thể dục xong, tôi cảm thấy thỏa mãn vì đã hoàn thành được thử thách đầu tiên trong ngày. Nếu đã chạy được 4 dặm vào sáng sớm thì việc đọc sách, viết hay biên tập thứ gì đó cũng không có gì là khó đúng không?
Đấy là điều mà tôi luôn nói với bản thân mình khi phải đối mặt với một thử thách lớn. Đa phần, nó đều rất hiệu quả.
Thức dậy quá sớm không phải là điều tốt
Mặt trái của việc thức dậy sớm và có một kế hoạch sáng sớm quá chi tiết đó là nó sẽ khiến bạn không còn thời gian cho các hoạt động xã hội vào buổi tối và trò chuyện cùng gia đình.
Bà Nooyi thức dậy lúc 4 giờ và đến văn phòng lúc 7 giờ bởi vì thói quen đó giúp bà làm việc tốt nhất. Tuy nhiên, tôi biết rằng, nếu tôi cố gắng làm theo bà thì tôi sẽ không đạt được kết quả như vậy mặc dù có nhiều thời gian trong ngày so với trước.
Đơn giản thôi, đó là do tôi sẽ làm việc hiệu quả nhất nếu ngủ đủ 7 đến 8 tiếng.
Ngoài ra, tôi cũng có sự tập trung nhiều hơn sau khi đã tập thể dục vào buổi sáng. Tôi cũng thích dành thời gian để thiền, ăn sáng và uống trà nên đến công ty, tôi sẽ thấy thoái mái và sẵn sàng hơn với công việc.
Hãy chọn cho bạn những thói quen bạn thích, xây dựng thời khóa biểu phù hợp với mục tiêu, khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Đó mới chính là bí quyết quan trọng nhất.