Đức phật dạy về nhân quả
Nhân quả ở đời vốn rất chính xác và rõ ràng, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Tiến trình từ nhân đến quả, có thể báo ứng ngay trong hiện tại mà cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Chỉ cần quan sát trong hiện tại, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra quả báo nhãn tiền của những việc làm ác.
Cổ nhân thường nói: “Đừng có tạo nghiệp ác, tạo nghiệp thiện còn có thể lên thiên đàng, nghiệp ác, phải xuống địa ngục.” Con người có thể lên thiên đàng, cũng có thể xuống địa ngục, tất cả đều do ý niệm của mình mà ra.
Những người làm việc thiện, nhưng lại gặp cảnh không may, cuộc sống khó khăn, cái khó khăn mà họ đang phải gánh chịu kia, đó chính là ác nhân khi xưa họ gieo nay tới ngày ác báo; việc thiện lúc này họ làm, đó mới chỉ là gieo thiện nhân, sau này khi đủ nhân duyên họ sẽ được nhận thiện báo.
Ngoài những tội có kết quả trong hiện tại còn vô số những việc ác sẽ kết thành quả xấu trong tương lai. Con người thường sợ quả báo hiện tại mà xem thường quả báo ở tương lai.
Vì thế, người học Phật thấy rõ nhân quả nên luôn sợ hãi với quả báo, quyết không làm điều ác, tránh xa tội lỗi. Niềm tin nhân quả, sự sợ hãi quả báo trong đời này và những đời sau sẽ góp phần tác thành nên nhân cách, đạo đức cho mỗi người.
Giữa nhân quả còn có một thứ quan trọng, đó là “duyên”
Có nhân thì có quả. Tền tài, sự nghiệp, bạn bè, tất cả moi thứ đều như vậy, đều dựa vào duyên phận.
“Mọi vật trong vũ trụ này được sinh ra là bởi chữ Duyên, tất cả đều do duyên khởi.” Nhân không thể trực tiếp sinh thành quả, cần phải có duyên, ví như khi bạn trồng dưa, bạn không thể cứ đem hạt Dưa để trên bàn là có thể nảy mầm đơm hoa kết trái. Bạn phải đem nó trồng trong đất, có ánh nắng, có không khí, có độ ẩm, tưới nước bón phân mới có thể nảy mầm, đơm hoa và kết trái, cho nên Nhân – Duyên – Quả, đây là chân lý không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu được.
Duyên cần phải có điều kiện, không thể nào đơn độc tồn tại, ví như con người chúng ta thì không thể nào có thể đơn độc tồn tại. Người thì cần phải có ăn cơm, gạo thì cần có nông dân cấy trồng, cần mặc quần áo, quần áo thì lại cần có người dệt vải, cần mua sắm đồ dùng thì cần phải có thương nhân, v.v., con người cần phải có rất nhiều nhân duyên mới có thể tồn tại được.
Cũng chính bởi Nhân – Duyên – Quả là chân lý vĩnh hằng, nên cổ nhân vẫn dạy rằng: Làm người phải hành thiện, tích đức, làm nhiều việc tốt kết thiện duyên, như vậy mới có thể sống an lạc, đủ đầy.