Trao đổi với PV, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, rau xanh cung cấp cho cơ thể con người số lượng khổng lồ các vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tuy nhiên, khi chế biến rau không đúng cách rất dễ khiến rau bị mất hết chất dinh dưỡng.
Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, hầu như tất cả các loại rau khi luộc đều bị mất chất dinh dưỡng. Đặc biệt là những loại rau sau, bởi với một số loại rau này có chứa vitamin tan trong nước nên chuyên gia khuyến cáo không nên luộc.
Bắp cải
PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trên thực tế, bắp cải luộc là món ăn vô cùng đơn giản nhưng lại không kém phần ngon miệng. Rau bắp cải luộc chấm với xì dầu hoặc trứng luộc dầm nước mắm, rất ngon. Tuy nhiên, khi luộc, cải bắp ra rất nhiều nước.
“Không phải ai cũng ăn hết nước cải bắp cải luộc nên sẽ bị thiếu hụt một lượng vitamin và khoáng chất không nhỏ”, PGS Thịnh cho hay.
Cải bó xôi (rau chân vịt)
Cải bó xôi không nhưng là thực phẩm thường ngày mà còn có nhiều tác dụng khá tốt trong y học, có thể điều trị bệnh tiểu đường, trĩ, trị mắt quáng gà, chống thiếu máu, hạ huyết áp, chống lão hóa nên khi chế biến bằng phương pháp luộc sẽ vô tình làm mất toàn bộ chất dinh dưỡng và công dụng vốn có của nó.
Vì vậy, cách nấu ăn lành mạnh nhất để bảo toàn chất dinh dưỡng trong rau là xào, hấp và luộc rau củ quả với lượng ít nước.
Các loại rau cải
Công dụng của rau cải xanh chứa vitamin A, B, C, K, axit nicotic, catoten, abumin…Rau cải xanh có tác dụng thanh nhiệt, chữa mụn nhọt, hỗ trợ tiêu hóa táo bón, hỗ trợ bệnh nhân cường giáp, tiểu đường, chữa viêm ruột – gout…
Do rau cải có chứa nhiều vitamin C nên khi nấu nên dùng phương pháp xào, hạn chế luộc. Nếu luộc nên cho ít nước. Nếu ăn lẩu, cần phải đậy nắp và khi sôi chín tới thì vớt ra ngay. Bằng cách này sẽ không hủy hoại vitamin C trong rau.
Rau dền
Rau dền giúp nhuận tràng, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, trị kiết lị do nóng. Rau dền không nên luộc quá chín hoặc hâm đi hâm lại nhiều lần vì nitrat có trong lá sẽ bị chuyển đổi thành nitrit là chất không tốt cho sức khỏe.
Rau muống
Canh rau muống luôn là thực phẩm phổ biến trong mâm cơm mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chế biến đúng cách.
Rau muống là loại rau chứa 90% nước, chất xơ, protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie.
Chính vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên loại rau này đem đến nhiều lợi ích với sức khỏe. Chúng cũng được coi là liều thuốc rất tốt cho người mắc bệnh thiếu máu, loãng xương, huyết áp thấp, phụ nữ mang thai, giảm nguy cơ táo bón.
Do đó, khi chế biến, mọi người không nên luộc mà thay vào đó nên chế biến bằng phương pháp xào.
Các loại đậu quả
Các loại đậu giàu tinh bột, nhiều loại khoáng chất, vitamin B và a-xít amin, có hiệu quả rất tốt đối với việc giảm bớt sự mệt mỏi, sưng phù hay tiểu tiện khó khăn…. Ngoài ra, các loại đậu còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc.
Với những công dụng không ngờ này, chuyên gia về thực phẩm khuyến cáo mọi người nên chế biến sao cho đảm bảo chất dinh dưỡng; Không nên luộc các loại đậu mà thay vào đó nên xào, hấp hoặc nướng….
Về các loại rau củ quả, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo rau gì rửa sạch, trồng nơi sạch sẽ nếu ăn sống được thì nên ăn sống. Ăn như vậy, là cách tốt nhất để đảm bảo chất dinh dưỡng.