Bữa ăn sáng giúp giảm cân, hay ngược lại? Các nghiên cứu về vấn đề này còn chưa thật sự thống nhất.
Ví dụ, một nghiên cứu lớn trên quần thể gợi ý rằng bữa sáng thịnh soạn sẽ giúp chúng ta tránh ăn vặt trong ngày, ngăn ngừa tăng cân.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại cho thấy việc bỏ bữa ăn sáng không ảnh hưởng gì đến lượng calo của chúng ta trong suốt cả ngày.
Nhưng hầu hết các nghiên cứu này là quan sát và không thể nói nhiều về cơ chế đằng sau sự giảm cân, chuyển hóa và việc ăn bữa sáng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí Journal of Physiology đã kiểm tra chính xác những cơ chế này.
Nghiên cứu, do TS Javier Gonzalez, Đại học Bath của Anh, đứng đầu, đã kiểm tra xem bữa sáng ảnh hưởng như thế nào đến chuyển hóa và tế bào mỡ của người gày và người béo.
Người gầy được lợi từ việc bỏ bữa sáng
Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 49 người lớn ăn bữa sáng hoặc nhịn đói cho đến trưa, hằng ngày trong 6 tuần.
Trong số những người tham gia, 29 người được phân loại là “gầy” và 20 là “béo” theo chỉ số khối cơ thể (BMI). Những người tham gia trong nhóm ăn sáng tiêu thụ 350 kilocalo trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy, trong khi những người trong nhóm nhịn đói không hấp thu năng lượng cho đến buổi trưa.
Cả trước và sau khi can thiệp, nhóm nghiên cứu kiểm tra các chỉ báo bệnh nhân về sức khoẻ chuyển hóa tim mạch, sự thèm ăn, và phân bố mỡ cơ thể.
Ngoài ra, nhóm còn theo dõi hoạt động của 44 gen quy định những protein chủ chốt, và khả năng sử dụng glucose của các tế bào mỡ để đáp ứng với insulin.
Ở người gầy, bỏ bữa ăn sáng trong 6 tuần làm tăng hoạt động của các gen giúp đốt cháy mỡ, do đó cải thiện sự trao đổi chất. Tuy nhiên, hiệu ứng này không thấy ở người lớn béo phì.
Người trưởng thành bị béo phì thường kháng lại insulin, là hoóc-môn điều hòa glucose do tuyến tụy tạo ra.
Nghiên cứu mới này cho thấy ở người béo phì, các tế bào mỡ không thể tiếp nhận nhiều glucose khi đáp ứng với insulin như những người gày. Tác dụng này dường như tỷ lệ thuận với mỡ toàn thân.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một cơ chế thích nghi ở những người béo phì, qua đó cơ thể cố gắng hạn chế lượng glucose mà các tế bào mỡ có thể hấp thu để tránh dự trữ thêm mỡ.
“Nếu hiểu rõ hơn về cơ chế đáp ứng của mỡ với việc chúng ta ăn gì và ăn thế nào, chúng ta có thể nhằm chính xác hơn vào những cơ chế này. Chúng ta có thể khám phá những cách thức mới để ngăn ngừa những hậu quả tiêu cực của việc có một lượng lớn mỡ trong cơ thể, cho dù chúng ta không thể thoát khỏi nó”.
TS Gonzalez cũng nhận định về một số hạn chế của nghiên cứu, và nói, “Vì các đối tượng nghiên cứu thường ăn bữa sáng nhiều tinh bột, Nên những kết quả này không nhất thiết sẽ đúng với các loại bữa sáng khác, đặc biệt là bữa sáng có hàm lượng đạm cao”.
Ông cho biết thêm: “Các nghiên cứu trong tương lai cũng sẽ tìm hiểu về sự tương tác của bữa ăn sáng tương tác với các yếu tố lối sống khác như tập thể dục”.