Thịt bò là một trong những thực phẩm rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng loại thực phẩm này sai cách thì có thể gây ra những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Trao đổi với PV, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thịt bò nhiều protein, rất khó tiêu. Vì vậy, không phải ăn thịt bò thời điểm nào trong ngày cũng tốt.
Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, không nên ăn vào buổi tối. “Vào ban đêm vận động ít, khả năng tiêu hóa chậm thì đầy bụng, ợ chua, bí bách dễ gây bệnh”, PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, thịt bò không béo nên thường xuyên ăn vào bữa tối để kiểm soát cân nặng. Đây là sai lầm nghiêm trọng, bởi lượng sắt có trong thịt bò sẽ đi vào cơ thể, khiến gan hoạt động nhiều, trong khi gan lúc này đang có nhu cầu nghỉ ngơi.
Do đó, theo PGS Thịnh, nên ăn thịt bò vào buổi sáng và buổi trưa, hạn chế ăn vào buổi tối.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đối với những người mắc bệnh sau không nên ăn nhiều thịt bò dù bất cứ thời điểm nào.
Do có thành phần đạm cao nên người mắc bệnh gout, cao huyết áp, tim mạch, mỡ máu cao không nên ăn thịt bò. Người bị mỡ máu cao ăn thịt bò nhiều có hại, bởi trong thịt bò chứa một lượng lớn chất béo bão hòa.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cho biết, đối với những người có sức khỏe bình thường có thể ăn theo nhu cầu, chế biến tùy thuộc vào khẩu vị (luộc, xào, hấp, sốt vang…). Tuy vậy, mọi người tuyệt đối không nên ăn thịt bò sống hay tái vì có thể lây nhiễm bệnh. Bởi quy trình chăn nuôi, giết mổ gia súc, vận chuyển và bảo quản thịt ở nhiều nơi chưa đảm bảo vệ sinh.
Ăn thịt bò tái hoặc sống có thể mắc bệnh sán lá gan: loại sán này thường ký sinh ở gan và đường mật của những động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê…