Tập đều đặn
Mỗi ngày, tim người đập khoảng 100 ngàn lần và bơm hơn 2 ngàn gallons máu (tương đương 7.570 lít máu) đi khắp cơ thể để nuôi sống các cơ quan và bộ phận khác. Theo bà Samantha Clayton, Giám đốc cấp cao Viện Đào tạo Thể chất Toàn cầu, thuộc Tập đoàn Dinh dưỡng Toàn cầu Herbalife, các bài tập tăng cường nhịp tim (hay còn gọi là bài tập cardio) sẽ giúp tim bơm máu với tốc độ nhanh hơn. Điều này cũng có nghĩa tim sẽ hỗ trợ cơ quan khác một cách hiệu quả hơn.
Các thống kê mới nhất cho thấy những người ít vận động có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao gấp 2 lần những người tập luyện thường xuyên. Chính vì vậy, bà Samantha Clayton nhấn mạnh: “Để tăng cường hiệu suất làm việc của tim trong khi vẫn đảm bảo tính dẻo dai của bộ phận này, chúng ta cần tập luyện từ 3 đến 5 lần mỗi tuần. Các hình thức tập luyện có thể phối hợp đa dạng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, nhảy, bơi lội…”
Đặc biệt, không chỉ người bình thường cần tập luyện thể dục đều đặn mà ngay cả người mắc bệnh tim mạch cũng cần được khuyến khích tập luyện. Tuy nhiên, tùy thể chất và tình trạng sức khỏe, người mắc bệnh tim mạch sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể cho từng cách thức tập luyện khác nhau. Về cơ bản, người mắc bệnh tim mạch không được tập nặng, tập gắng sức. Thay vào đó, họ chỉ cần đi bộ thong thả khoảng 20 phút mỗi ngày. Bơi lội chậm rãi cũng là một môn thể thao được khuyến khích cho người bệnh tim mạch.
Ăn cân bằng
Bên cạnh thói quen tập luyện đều đặn, ăn uống hợp lý cũng là lời khuyên mà các chuyên gia dinh dưỡng từ Tập đoàn Dinh dưỡng Toàn cầu Herbalife đưa ra. Theo đó, cân bằng axit béo omega-3 và omega-6 trong cơ thể chính là chìa khóa quan trọng hàng đầu để có trái tim khỏe mạnh. Cơ thể chúng ta không thể tự tạo ra hai loại axit này vì vậy chúng cần được bổ sung qua các thực phẩm hàng ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, các thực phẩm chúng ta thường ăn như khoai tây chiên, đồ ngọt, đồ hộp… lại chứa rất nhiều omega-6 mà hầu như không giúp bổ sung omega-3. Trong khi đó, các thực phẩm giàu omega-3 như cá, rau xanh đậm, các loại hạt… lại thường bị lãng quên trong các khẩu phần ăn hàng ngày. Vì vậy, theo các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta nên bổ sung thêm cá, bơ, dầu ô liu, các loại hạt và hải sản, đồng thời hạn chế các loại đồ ngọt và thay thế protein động vật bằng các protein từ thực vật như đậu lăng, tàu hũ…để “tái cân bằng” hàm lượng omega-3 và omega-6 trong cơ thể.
Ngoài khẩu phần cân bằng omega-6 và omega-3, chúng ta cũng nên chú ý đến các thực phẩm giúp cơ thể sản sinh oxit nitric (NO). Đây là phân tử có tác dụng làm giãn nở các mạch máu và giữ cho máu bơm đều đặn thông qua hệ thống tuần hoàn. Vì vậy, NO giúp bảo vệ các mô trơn của mạch máu khỏi sự co thắt có hại và giúp ổn định huyết áp. Đồng thời, khi hệ thống mạch máu được hỗ trợ tốt, NO có thể làm giảm khối xơ vữa và tiểu huyết cầu, ngăn chặn sự hình thành các khối máu vón cục và tăng cường lưu thông máu tự do khắp cơ thể. Các loại thực phẩm thúc đẩy cơ thể sản sinh ra NO bao gồm rau dền, rau diếp, cần tây, súp lơ, nho, dâu tây, các loại rau củ và trái cây.