Nhiều PT (personal trainer – HLV cá nhân) ở Hồng Kông lo lắng rằng, dân công sở đang tự gây tổn hại tới cơ thể khi đi tập thể dục trong trạng thái căng thẳng.
Ed Haynes, người sáng lập và cũng là HLV đứng đầu Coastal Fitness Performance Training ở khu đô thị hỗn hợp phía đông Hồng Kông North Point cho biết, tập thể dụng trong khi sức khỏe tinh thần không tốt có thể gây hại hơn là có tác dụng.
“Thể dục cũng gây ra stress cho cơ thể”, Haynes nói. “Chúng ta cần phải hiểu điều đó. Để mọi thứ tốt lên, ta cần gây căng thẳng cho hệ thống”.
Haynes nhấn mạnh rằng, những ai phải làm việc trong nhiều giờ, tập thể dục trước hoặc sau giờ làm thường không có đủ thời gian để hồi phục hoặc tập luyện nhưng vẫn giữ lối sống không lành mạnh… Điều này không hề tốt, thậm chí còn tệ hơn chỉ đi làm mà không tập thể dục.
“Cơ thể chúng ta thường không thể phân biệt được giữa các loại stress khác nhau. Ví dụ, sự căng thẳng khi phải thi đấu thể thao; đứng trên sân khấu với 500 khán giả hoặc có nguy cơ bị sếp sa thải… Bộ não nhìn nhận chúng như nhau”.
Với kinh nghiệm của một cầu thủ rugby thi đấu quốc tế, Haynes còn giải thích rằng cortisol, loại hormone chống stress tự nhiên, sẽ được tiết ra bởi tuyến thượng thận khi cơ thể bị kích thích, kể cả khi tập thể dục. Không những vậy, nó còn tích tụ sau một ngày dài căng thẳng ở văn phòng.
Kết hợp 2 điều này lại với nhau không phải ý hay. “Bất cứ điều gì kích thích tôi sẽ tạo lượng insulin và cortisol tăng đột biến”, anh nói tiếp.
Chưa kể, những loại hình luyện tập cường độ cao (ví dụ như CrossFit), khiến adrenaline tăng cao và nếu không được nghỉ ngơi để hàm lượng hormone giảm xuống bình thường, nhiều vấn đề sẽ phát sinh.
Căng thẳng quá độ có thể biểu hiện qua cả chấn thương, tinh thần kiệt quệ… Những điều này hầu hết là cơ chế tự nhiên của cơ thể, nó khiến ta chậm lại và bắt buộc phải nghỉ ngơi. Chỉ có VĐV chuyên nghiệp luôn muốn vượt qua giới hạn của bản thân mới tiếp tục tập luyện (với điều kiện dinh dưỡng và nghỉ ngơi đặc biệt), còn với người bình thường, làm như vậy chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc trong tương lai.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry cho thấy, mọi người có xu hướng lạm dụng thể dục thể thao. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, để có được nhiều lợi ích nhất cho thể chất và tinh thần từ việc tập thể dục, dân công sở chỉ cần “hit the gym” từ 3 – 5 lần/tuần (30 – 60 phút mỗi buổi). Cố tập nhiều hơn, lâu hơn chỉ đem về tác động tiêu cực cho cơ thể mà thôi.
Là nơi đất chật người đông, nhà chức trách Hồng Kông rất quan tâm đến việc người dân stress ra sao, như thế nào. Theo báo cáo năm 2017 của Cục Thống Kê Dân Số, người Hồng Kông làm việc trung bình 44,5 giờ mỗi tuần. Còn báo cáo của năm 2016 lại chỉ ra rằng, hơn 60% người làm công ăn lương cảm thấy rất căng thẳng, sức khỏe tâm thần rất kém.
Trong năm nay, Đại học Hồng Kông cũng công bố khảo sát, cho thấy hơn một nửa (54,4%) người Hồng Kông đã trải qua nhiều sự kiện căng thẳng từ đầu năm 2018, bao gồm công việc, học tập, y tế, quan hệ gia đình và xã hội.
Haynes nói thêm, nếu đang căng thẳng, đừng cố tập hùng hục để quên đi áp lực. Trái lại, hãy tập nhẹ nhàng theo khả năng bạn có thể đáp ứng – nên bắt đầu với những bài tập hít thở và light-stretching (giãn, duỗi cơ nhẹ nhàng) để làm dịu cơ thể, yoga cũng là lựa chọn tốt.