Công trình đứng đầu bởi tiến sĩ Manasi Das (Đại học California ở San Diego-Mỹ) khuyến cáo phụ nữ nên tìm cách để các bữa ăn trong ngày gói gọn trong khoảng thời gian 8 giờ, hay còn gọi là chế độ ăn 16:8.
Cụ thể, bạn nên ăn sáng trễ hơn một chút, ăn tối sớm hơn một chút và đừng ăn khuya, ví dụ như ăn sáng lúc 10 giờ và kết thúc bữa tối trước 18 giờ hàng ngày.
Ông và các cộng sự thấy rằng sức khỏe trao đổi chất của phụ nữ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú. Với chế độ ăn nói trên, một người sẽ có 16 giờ trong cả ngày hoàn toàn không ăn gì, như một kiểu nhịn ăn gián đoạn.
Việc nhịn ăn gián đoạn này giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu, tăng cường chức năng não và tuổi thọ.
Nhờ kiểm soát tốt lượng đường, tăng khả năng chuyển hóa, cách ăn này giúp phụ nữ giảm hẳn nguy cơ thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa, những vấn đề đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.
Sau 3 thí nghiệm trên các con chuột bị làm cho mắc bệnh ung thư vú, các nhà khoa học thậm chí phát hiện một sự khác biệt rõ rệt trong cách thức khối u tăng trưởng: chế độ ăn 16:8 thậm chí kìm hãm các khối u ở các con chuột đã bị bệnh, giúp bệnh chậm đi hơn nhiều so với nhóm ăn nhiều bữa trải đều trong ngày.
Tác động kỳ diệu này cũng liên quan đến việc chế độ ăn nói trên giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, cơ thể không phải sản xuất insulin quá dư thừa. Insulin kích hoạt các tế bào, bao gồm tế bào ung thư, phát triển mạnh mẽ hơn, theo nghiên cứu trước đây đã chứng minh. Một số hormone liên quan đến insulin bị tăng cao trong cơ thể người béo phì cũng góp phần gây ra ung thư vú.
Nghiên cứu vừa được công bố tại ENDO 2019 – cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết tổ chức tại New Orleans-Mỹ.