Cơ thể của chúng ta sẽ phải làm rất nhiều việc xuyên suốt một ngày nên khó tránh khỏi cảm giác thèm ăn một món gì đó. Tuy nhiên, đôi khi việc thèm ăn một món nào đó nhất định có thể ngầm cảnh báo sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc. Dưới đây là một vài dấu hiệu thèm ăn cảnh báo cơ thể của bạn đang gặp vấn đề mà bạn không nên chủ quan bỏ qua.
Thèm ăn socola (cảnh báo vấn đề về thần kinh)
Nghiên cứu từ Hiệp hội Hóa học Mỹ cho biết, nếu bạn liên tục thèm ăn socola thì nhiều khả năng bạn đang có dấu hiệu ban đầu của chứng trầm cảm. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa thần kinh Arosen cũng cho biết, ham muốn ăn socola đột ngột có thể ngầm cảnh báo chứng đau nửa đầu. Thực tế thì, có rất nhiều người gặp phải tình huống này nhưng thật may là nó chỉ xuất hiện trong vài phút rồi lại biến mất.
Thèm ăn đá (cảnh báo cơ thể thiếu sắt)
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nếu bỗng nhiên bạn thèm ăn một vật gì đó man mát, hơi cứng như kiểu đá viên thì đó lại là dấu hiệu điển hình cảnh báo cơ thể đang thiếu sắt. Lý giải cho điều này, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, việc nhai đá lạnh có thể làm tăng lưu lượng máu lên não, từ đó chống lại sự suy giảm do cơ thể thiếu sắt.
Thèm đồ cay, mặn (cảnh báo cơ thể đang mất nước)
Khi chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể mất cân bằng, cơ thể sẽ theo bản năng khao khát muốn ăn những loại thực phẩm riêng hoặc loại có mùi vị đặc biệt để cơ thể trở lại ổn định. Lúc này, những món cay, mặn như khoai tây chiên, gà rán, mì cay… sẽ giúp kích thích vị giác nhưng ngầm cảnh báo là cơ thể bạn đang thiếu nước trầm trọng. Do vậy, bạn cần chú ý uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước hàng ngày để ngăn ngừa triệu chứng này xuất hiện.
Thèm ăn đồ ngọt (cảnh báo cơ thể đang thiếu ngủ)
Theo Mayo Clinic, việc thèm ăn đồ ngọt có thể là do cơ thể bạn đang bị thiếu ngủ. Trung bình, những người thiếu ngủ thường xuyên sẽ nạp vào cơ thể nhiều calories hơn người ngủ đủ giấc. Do đó, những loại thực phẩm chứa nhiều đường ngọt sẽ giúp bạn chống lại cơn mệt mỏi, buồn ngủ do thiếu ngủ từ tối hôm trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là đây không phải giải pháp tốt, trái lại còn khiến cơ thể mệt mỏi nhiều hơn vào ngày hôm sau.
Thèm uống nước (cảnh báo bệnh tiểu đường)
Nếu lượng đường trong máu quá cao, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy khát nước và muốn uống nước liên tục. Do khi lượng đường trong máu vượt ngưỡng bình thường thì cơ thể sẽ phải tìm cách đẩy lượng đường đó ra ngoài thông qua đường nước tiểu. Khi bạn càng uống nước nhiều, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn và điều này vô tình khiến cơn khát tăng lên dữ dội.