Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Công ty dược phẩm Abbott, Đại học Protestante au Congo, Đại học Johns Hopkins, Đại học Missouri và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ thực hiện, công bố trên tạp chí eBioMedicine (đơn vị trực thuộc tạp chí y khoa The Lancet).
Nghiên cứu xem xét các mẫu bệnh phẩm lấy từ 10.457 người nhiễm HIV, giai đoạn năm 1987-2019. Họ phát hiện có tới 4% người mang virus HIV ở Cộng hòa Dân chủ Congo có thể tự ngăn chặn virus mà không cần điều trị.
Thông thường, tỷ lệ này trên thế giới chỉ dưới 1%. Chính vì thế, nghiên cứu này được kỳ vọng là chìa khóa mở ra cách điều trị, vaccine ngừa HIV/AIDS.
Nhà khoa học Mary Rodgers, đại diện dự án, trả lời phỏng vấn của BBC: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và cũng rất hào hứng khi chứng kiến dữ liệu từ cuộc nghiên cứu. Điều này có nghĩa hy vọng mới đang mở ra, HIV/AIDS có thể chữa khỏi trong tương lai”.
Theo tiến sĩ Rodgers, bệnh nhân HIV ở Congo có tỷ lệ người tự kiểm soát virus tốt nhất trong số các mẫu bệnh phẩm (2,7 – 4,3%). Trong khi đó, 1% người khác ở Cameroon cũng có cơ chế tự kiểm soát tốt virus HIV mà không cần dùng thuốc. Bà Rodgers đánh giá kết quả này là “chưa từng được ghi nhận”.
Hiện nay, hầu hết người nhiễm HIV phải uống thuốc kháng virus hàng ngày để ức chế, giảm tải lượng virus trong cơ thể, ngăn bệnh diễn biến thành AIDS.
Các chuyên gia chưa thể lý giải vì sao “những bệnh nhân ưu tú” ở Congo có thể ngăn HIV gây ra các biến chứng và lây lan trong cơ thể.
Tiến sĩ Rodgers đặt giả thuyết điều này có thể xuất phát từ việc họ có cơ chế nào đó để duy trì tải lượng virus ở mức thấp.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh các nhà khoa học phải nghiên cứu sâu hơn về nhóm người này. Bởi trước đây, một số người ban đầu cho thấy khả năng chống virus tuyệt vời. Tuy nhiên, họ mất khả năng miễn dịch nhanh khi bệnh diễn biến xấu.
Cách đây gần 4 thập kỷ, HIV/AIDS xuất hiện và trở thành dịch bệnh đáng sợ, bí ẩn với các y sĩ Mỹ. Căn bệnh phá hủy hoàn toàn hệ thống miễn dịch của người trẻ tuổi, khỏe mạnh.
Trên thế giới, một số bệnh nhân từng được ghi nhận tự khỏi HIV mà không cần dùng thuốc điều trị. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, định nghĩa những “bệnh nhân ưu tú” chỉ chiếm khoảng 0,2-0,4%.
Dù đặt ra nhiều giả thuyết, các nghiên cứu trên mới chỉ dừng lại ở bước phát hiện từng trường hợp. Cho đến nay, các “bệnh nhân ưu tú” vẫn là ẩn số với y học và thế giới.