Liv Hendrix nuôi mơ ước chuyển từ thị trấn nhỏ Tennessee đến New York kể từ khi ghé thăm thành phố sầm uất bậc nhất nước Mỹ vào năm 4 tuổi, theo Insider.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Hendrix không hề nghĩ đến mức sống đắt đỏ tại New York, xếp thứ 3 trong 10 thành phố có mức chi tiêu và giá nhà đất cao nhất thế giới, theo nghiên cứu của công ty tư vấn ECA International.
Trong khi nhiều bạn bè chuyển đến các quận xa xôi hơn như Brooklyn hoặc Queens để tiết kiệm tiền, Hendrix vẫn nhất quyết sống một mình ở quận trung tâm Manhattan.
Tuy nhiên với số tiền ít ỏi được bố mẹ chu cấp, cô gái 21 tuổi này chỉ có thể ở trong căn hộ siêu nhỏ. Tại New York, nhà siêu nhỏ chỉ rộng khoảng 4,5-9 m2 và thường thích hợp cho người độc thân.
Hendrix đã tìm thấy một căn hộ rộng khoảng 7 m2 ở West Village với giá 1.345 USD/tháng.
“Tòa nhà ở khu vực trung tâm của thành phố, có lối thoát hiểm khi hỏa hoạn và là không gian hoàn hảo cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học như tôi”.
Căn phòng rộng 7 m2 của Liv Hendrix.
Nhà siêu nhỏ xuất hiện tại Mỹ từ năm 1987. Tuy nhiên sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những căn hộ vài m2 này mới trở thành xu hướng. Đa số người thuê là nhóm có thu nhập thấp hoặc người trẻ độc thân.
Tại New York, từ năm 2015, chính quyền thành phố đã thử nghiệm mô hình căn hộ siêu nhỏ My Micro NY tại Phố 27, Brooklyn Navy Yard thuộc quận Mahattan. 22 trong số 55 căn hộ siêu nhỏ dành cho người thu nhập thấp. Số căn còn lại được áp dụng giá thuê thương mại trên 3.000 USD/tháng.
Tận dụng mọi khoảng không
Trong gian phòng nhỏ hẹp, chiếc giường của Hendrix chiếm phần lớn diện tích. Vì vậy, vào ban ngày, cô thường gấp đôi chiếc giường, xếp thêm nệm và gối xung quanh để biến nó thành ghế dài.
Cách làm này giúp Hendrix có thêm không gian sinh hoạt, làm việc và sửa đổi tật ngủ nướng vào mỗi sáng.
Cô từng nghĩ đến chuyện tận dụng gác xép làm chỗ ngủ. “Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì tôi sợ căn gác không chịu nổi sức nặng hoặc mình có thể lăn xuống bên dưới bất kỳ lúc nào”.
Khu vực nhà bếp ngay sát đầu giường là nơi Hendrix làm mọi thứ, từ đánh răng rửa mặt cho đến nấu ăn, pha cà phê và rửa bát đĩa.
“Dù hơi bất tiện, tôi vẫn không thể bỏ thói quen uống cà phê mỗi sáng. Tôi phải đứng lên nóc tủ lạnh để lấy cà phê, máy nấu nước và làm đồ uống ngay dưới bồn rửa vì không có chỗ để ở quầy”.
Ăn sáng xong, Hendrix cũng nấu luôn thức ăn cho cả ngày rồi dọn dẹp bồn rửa để dùng cho việc khác.
Căn phòng 7 m2 không có chỗ cho tủ quần áo. Hendrix phải mua 2 giá phơi đồ để treo quần áo đi làm. Còn đồ ngủ, đồ lót, phụ kiện… được cô cất vào một cái thùng lớn.
Toàn bộ giày dép, túi xách được Hendrix treo lên tường. “Làm như vậy vừa có chỗ để vừa có thêm vật trang trí”.
Khu vực vệ sinh, phòng tắm cũng cực kỳ chật chội. Hendrix nói cô không thể trang điểm trong nhà tắm vì không có đủ ánh sáng và chỗ để đồ.
“Một điều khiến tôi bực bội đó là sàn nhà tắm luôn ẩm ướt. Tôi dùng vòi sen để tắm vào buổi sáng nhưng đến chiều sàn nhà vẫn chưa khô”.
Không tiếp khách ở nhà
Hendrix ước tính căn hộ của mình có thể chứa tối đa 3 vị khách, song với điều kiện, họ chỉ được ngồi yên trên giường. Chính vì sự bất tiện này cô hầu như chưa từng mời khách đến chơi nhà.
“Tôi có hai người bạn sống ở tầng dưới, nhưng chúng tôi chủ yếu gặp mặt trong căn phòng rộng rãi hơn của họ. Nếu cảm thấy quá đông đúc, chúng tôi có thể xuống phố hoặc ra công viên gần nhà”.
Hendrix nói vị trí trung tâm của căn hộ vừa là ưu lẫn nhược điểm. Lợi ích dễ thấy nhất là di chuyển dễ dàng. Xung quanh nơi ở của Hendrix có đầy đủ mọi thứ, từ cửa hàng tiện lợi, nhà hàng cho đến công viên, rạp chiếu, khu giải trí.
“Khi thời tiết đẹp, tôi thích ngồi hàng giờ ở công viên Washington Square. Nơi này gần căn hộ của tôi đến mức có cảm giác nó như khoảng sân sau nhà. Tôi cũng thích việc sống gần các nhà hàng nổi tiếng”.
Thế nhưng, tiếng ồn là một trong những điểm trừ lớn nhất của căn hộ. Không gian không cách âm khiến những tiếng ồn từ xe cộ, đường phố như được khuếch đại lên vào buổi tối.
“Tôi phải mở nhạc lớn để át tiếng ồn nhưng vào những đêm kinh khủng tôi phải sử dụng đến dụng cụ bịt tai”.
Hendrix nói rằng căn hộ siêu nhỏ chắc chắn không phải là sự lựa chọn hoàn hảo. Một ngày nào đó, cô cũng sẽ mơ về những căn nhà có phòng khách lớn, tủ lạnh đầy đủ, tủ đựng quần áo…
Tuy nhiên, không gian nhỏ cũng có lợi thế riêng. “Tôi đã học được cách chỉ giữ lại những món đồ thực sự cần thiết, hạn chế mua sắm. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy cách trang trí rất quan trọng vì nó có thể biến căn hộ trở thành ngôi nhà thực sự của mình”.