2022-01-07 09:42:02
{"khoe-dep":"Kho\u1ebb \u0111\u1eb9p"}
[]
https://media.xevathethao.vn/images/rs:fill:0:0:0/g:ce:0:0/c:0:0/aHR0cHM6Ly9raG9ldmFkZXAudm4vYXBwL3VwbG9hZHMvZmlsZXMvbmV3cy8yMDIyLzAxLzA3L2Rhb3Rhb2NvbnRoYW5oaG9haGF1aGFub2l0b2FudnUxMS0xNjQxMzY5NTM3ODY2LTA5NDAzMi5qcGc.webp

Ông bố “điên”: Dạy con trai nhận học bổng 4 tỷ đồng, đào tạo con gái thành Hoa hậu

Anh Lê Hồng Kiên đã gác lại công việc để “cai nghiện” game cho con trai lớn, sửa thói luộm thuộm của con gái nhỏ, đồng thời tự nghiên cứu để dạy các con học.

“Ba năm trước, khi bố nói sẽ dạy con trở thành hoa hậu, người thân, bạn bè, thậm chí cả mẹ con cũng không đồng ý. Nhiều người còn chê bố con “điên”, “hâm dở”, người thì nói hai bố con con ảo tưởng”, Lê Minh Trà My (16 tuổi) chia sẻ.

“Hồi đó, con thương bố bị mọi người chê nhưng bố con bình tĩnh lắm, bố chỉ cười xòa. Chính bố lại động viên con đừng quan tâm đến định kiến của mọi người”, Trà My vừa đưa mắt nhìn bố cười, vừa chia sẻ.

Anh Lê Hồng Kiên (46 tuổi, Hà Nội) là một ông bố đơn thân nổi tiếng trên mạng xã hội, từng được nhiều độc giả biết tới nhờ câu chuyện “ly hôn thành công”. Vợ chồng anh Kiên đã ly hôn 11 năm nhưng cả hai vẫn thân thiết, đồng hành bên cạnh nhau để chăm sóc, nuôi dạy 2 con chung.

Anh Kiên thừa nhận, anh có quan điểm giáo dục, nuôi dạy con rất “khác người”. “Tôi và hai con không đơn thuần là cha – con mà là bạn. Với con trai, con gái, tôi có những cách đồng hành khác nhau. Người ngoài có thể nói tôi hâm dở, nhưng quan trọng nhất là các con tôi hạnh phúc”, ông bố tâm sự.

Anh Kiên có hai người con. Con trai lớn Lê Xuân Lộc (sinh năm 2000) hiện đang du học ngành Kinh tế học và Tâm lý học tại ĐH Lawrent, Mỹ với học bổng 4 tỷ đồng. Con gái thứ hai của anh Kiên là Lê Minh Trà My (sinh năm 2006). Cô bé ngoài thành tích học tập tốt, rất tự tin, năng động còn có nhiều tài lẻ, đam mê nghệ thuật. My đã cùng bố rèn luyện, trau dồi để hiện thực hóa ước mơ trở thành hoa hậu.


“Cai nghiện” game cho con, cùng con “giật” học bổng Mỹ 4 tỷ đồng

Xuân Lộc – con trai anh Kiên từng có thời gian dài “chìm đắm” trong thế giới game. Lộc dậy từ 5 giờ sáng chơi game rồi 7 giờ lên lớp. Cả buổi, cậu học trò lớp 8 mơ mơ màng màng buồn ngủ. Nhưng kết thúc giờ học, Lộc lại tiếp tục cày game xuyên trưa. Buổi tối, thậm chí Lộc còn nói dối bố đi học nhóm để lén chơi game đến 22 – 23 giờ.

Empty

 

“Tôi có tư duy khá thoáng về sở thích của con nên ban đầu, tôi không cấm cản Lộc chơi game, miễn con đảm bảo kết quả học tập”, anh Kiên chia sẻ. Ông bố cũng có phần chủ quan khi quá tin tưởng vào kiến thức nền tảng đã dạy con từ nhỏ. 

Đến khi con trai kết thúc nửa năm học lớp 9, anh Kiên mới “tá hỏa” vì Lộc không tích lũy được chút kiến thức nào, thua xa các bạn về thành tích, và có nguy cơ… thi trượt lớp 10. Nhiều lần được bố khuyên nhủ nhưng Lộc vẫn “chứng nào tật ấy”, không thiết tha học hành, chỉ mê mải chơi game. Anh Kiên bất lực, bật khóc vì con.

“Đến lúc này, tôi không đủ tin tưởng và nhẫn nại nữa, quyết định thực hiện biện pháp mạnh”, anh Kiên nhớ lại. Anh Kiên tịch thu điện thoại, hạn chế con sử dụng máy tính. Anh tự sắp xếp công việc, từ chối không ít cơ hội để dành thời gian cho con, đưa đón con đi học. Anh Kiên ôn tập kiến thức để học cùng con tại nhà thay vì đẩy con tới các lớp học thêm, lò luyện thi.

Empty

 

Từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Kiên có kiến thức các môn tự nhiên rất tốt, đặc biệt là môn Toán. Tuy nhiên, đã lâu không sử dụng nên kiến thức của anh mai một. Ông bố cùng con tìm mua sách, chọn các bộ đề luyện thi để hai bố con cùng làm. “Để dạy con một tiếng, tôi phải đọc, nghiên cứu ba tiếng. Điều tôi muốn là con hiểu bản chất chứ không chỉ ôn vẹt, luyện bài tập để thi cho qua”, anh Kiên chia sẻ.

Suốt gần nửa năm trời, anh Kiên vật vã ôn thi cùng con hai môn Văn, Toán. Anh chỉ đi nghỉ khi con đã hoàn thành toàn bộ bài tập. Khi con bước vào kì thi THPT, anh Kiên túc trực bên ngoài, ruột nóng như lửa đốt. Không phụ công 6 tháng ròng rã đồng hành của bố, Lộc đạt 8 điểm Văn, 8,75 điểm Toán. Thành tích của con khiến anh Kiên vỡ òa hạnh phúc. Bản thân Lộc cũng nhìn thấy sự vất vả của bố suốt thời gian dài, cậu học trò đã tự rời bỏ game, chuyên tâm học hành.

Ngay khi Lộc vào lớp 10, hai bố con đặt mục tiêu chinh phục môn Tiếng Anh – nỗi ám ảnh với Lộc trước đây. “Bạn gái của Lộc lúc đó rất giỏi ngoại ngữ. Đây cũng là động lực của con. Thay vì ngăn cản con về chuyện tình cảm, tôi động viên con phấn đấu”, anh Kiên cho biết.

Anh Kiên đầu tư cho con trai học một năm tiếng Anh cơ bản và dồn lực ôn thi IELTS trong 4 tháng. “Thời điểm này tôi thường xuyên phải đi làm xa nhưng tôi không còn quá lo lắng vì tôi hiểu, Lộc đã tìm được định hướng cho mình. Con biết phương pháp học hiệu quả, tìm lại được cảm hứng với học tập, chủ động với việc học”, anh Kiên nói.

Tháng 8/2016, Lộc đạt kết quả 7.0 IELTS. Đây là động lực để anh Kiên đưa ra quyết định cho con sang Mỹ học lớp 12.

“Tôi quan sát và thấy rằng, hai năm lớp 10, 11, con đã chủ động học tập, tự lập trong việc chăm sóc bản thân. Do đó tôi không ngần ngại gửi con sang học tại trường Mission Heights Prep High School và ở trọ trong gia đình người bản xứ”, anh Kiên chia sẻ.

Trước khi Lộc đi du học, anh Kiên cùng con “cày” bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa để chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng đối mặt khó khăn cho con. Khi sang Mỹ, Lộc nhanh chóng hòa nhập môi trường giáo dục mới. Với kiến thức nền tảng tốt trong môn Toán học do bố chỉ dạy, Lộc đạt thành tích rất cao, thậm chí còn trở thành “gia sư” kèm cặp các bạn trong lớp sau giờ học. Kết thúc năm học, Lộc đạt điểm A tất cả các môn, điểm trung bình GPA là 3.9/4.0. Song song với chương trình học ở lớp, Lộc tự ôn tập cho kỳ thi SAT (kỳ thi thuộc quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ở Mỹ), thức trắng nhiều đêm mò mẫm thông tin trên website của trường, các kênh YouTube chia sẻ kinh nghiệm “săn” học bổng. 

“Giai đoạn này, tôi chủ yếu gọi điện động viên và định hướng con từ xa. Lộc đã có thể chủ động tìm kiếm cơ hội cho tương lai. Tôi cũng vạch rõ cho con hiểu về khả năng tài chính của mình. Nếu con không thể đạt học bổng, tôi buộc lòng phải đưa con về nước học đại học”, anh Kiên cho biết.

Empty

 

Không phụ sự tin tưởng của bố, sau một năm đến Mỹ, chàng trai Việt Nam trở thành học sinh xuất sắc nhất lớp, đạt điểm SAT 1390/1600, có thành tích ngoại khóa phong phú. Lộc được chính thầy giáo, hiệu trưởng nhà trường viết thư giới thiệu với nhiều lời khen ngợi. Trong bài luận gửi tới các trường, Lộc viết về quãng thời gian đầy khó khăn trước khi sang Mỹ: trượt visa du học, chia tay bạn gái thuở học trò, những hành động dại khờ trong lúc tâm trạng bất ổn và sau đó là hành trình vượt qua bằng cách đọc các cuốn sách về tâm lý học. 

Với thành tích ấn tượng đó, Lộc đã đạt học bổng trị giá 4 tỷ tại trường đại học danh tiếng Lawrence. Chàng trai 18 tuổi đã thực sự có hành trình “lội ngược dòng” thành công. 

Năm 2022, Lộc sẽ hoàn thành chương trình học cử nhân tại Mỹ. Theo chia sẻ của anh Kiên, ngay khi tốt nghiệp, Lộc sẽ trở về nước cùng bố kinh doanh. “Con có nhiều cơ hội tại Mỹ, đã nhận được những lời mời với mức lương ổn. Tuy nhiên, Lộc hy vọng có thể về đồng hành cùng tôi, thực hiện những kế hoạch mà bố ước mơ”, anh Kiên tự hào chia sẻ.

Ông bố “điên” với hành trình rèn con gái trở thành hoa hậu

Cứ ngỡ rằng với kinh nghiệm cùng con trai chinh phục học bổng du học, anh Kiên cũng có thể tự tin dạy con gái đạt thành tích học tập tốt, đỗ vào các trường uy tín. Thế nhưng, hành trình cùng con gái chinh phục kiến thức của anh Kiên cũng “vật vã”, “gian nan” không ít.

Anh Kiên thừa nhận, trước đây, anh từng cổ hủ, ấu trĩ khi cho rằng: Con gái chỉ cần học bình thường, giỏi nữ công gia chánh là đủ. “Giai đoạn My học từ lớp 1 đến lớp 6, tôi gần như để con tự do, không kèm cặp như Lộc cũng không nặng nề kết quả học tập”, anh Kiên nói.

Empty

 

“Đến sau này, trong quá trình làm việc, tôi vô tình gặp rất nhiều bạn nữ xinh đẹp nhưng trình độ học vấn, kiến thức hạn chế. Tôi giật mình nghĩ về con gái. Tôi không muốn con lớn lên là một cô nàng nhạt nhòa, ít ỏi kiến thức, trải nghiệm”, ông bố nói thêm.

Bốn năm trước, anh Kiên bắt đầu toàn tâm toàn ý bước vào công cuộc rèn giũa Trà My. Anh Kiên “choáng” khi cô con gái mất gốc kiến thức trầm trọng, tính cách thì bừa bộn kinh khủng. “Mẹ My là người rất gọn gàng, sạch sẽ, bản thân tôi cũng sống khoa học, ngăn nắp. Tôi không hiểu tại sao con lại luộm thuộm đến vậy. Việc bừa bộn sẽ ảnh hưởng tới tư duy, khả năng học tập, làm việc của con trong tương lai”, anh Kiên nói.

Khi Trà My bước vào cuối năm học lớp 6, anh Kiên bắt đầu kèm cặp, nhắc nhở con nhiều hơn về thói quen ngăn nắp. “Chứng kiến con cẩu thả, luộm thuộm, tôi rất bực. Nhưng chỉ cần nhắc hay nói to tiếng, My lại rơm rớm nước mắt. Tôi bất lực quay đi”, anh Kiên nhớ lại.

Không thể chỉ nhắc nhở, anh Kiên thường rủ con dọn dẹp phòng riêng thay vì nhờ cô giúp việc. Vừa làm, anh Kiên vừa phân tích cho My lợi ích về sức khỏe, tinh thần khi sống trong căn phòng gọn gàng, thoáng mát. Mẹ của My thường xuyên gọi điện về nhắc nhở, động viên con gái.

Empty

 

Thế nhưng, chỉ hôm trước hôm sau, phòng của Trà My lại “đâu đóng đó”. Cô bé không vượt qua được “sức ì” của bản thân. Khoảng cách giữa 2 bố con không được cải thiện thậm chí còn thêm xa cách. 

“Lúc bố dạy con học mọi chuyện càng kinh khủng hơn. Con rỗng kiến thức, mất gốc nên bố hỏi gì con cũng không biết. Bố tức giận bẻ hết không biết bao nhiêu cây bút chì còn con thì khóc gần hết giờ học. Hai bố con vô cùng căng thẳng”, Trà My kể lại.

Thời điểm này, chính Lộc giới thiệu cho bố về sách tâm lý. Anh Kiên dành thời gian tìm đọc để hiểu lý do tại sao con gái có tính cách “không giống ai trong nhà” như vậy và cách để xử lý. “Tôi nhận ra, My xem quá nhiều bộ phim về các vị hoàng hậu, công chúa Trung Quốc, từ đó nảy sinh tâm lý coi bản thân như một cô công chúa”, anh Kiên nói.

Empty

 

Ông bố bắt đầu hành trình xóa bỏ khoảng cách giữa bố và con gái. Anh Kiên tìm cách “mô phỏng” tính cách của con để hai bố con vui vẻ, dễ nói chuyện hơn. Ông bố học nghe nhạc Sơn Tùng MT-P, đặt vé cùng con đi xem các liveshow con thích, dành thời gian xem phim “cung đấu” Trung Quốc cùng con… “Thay vì để con xem phim một mình, tôi trực tiếp xem và phân tích cho con tính cách các nhân vật. Con có thể so sánh giữa người xinh đẹp, mưu mô với người xinh đẹp, có kiến thức, giàu tình cảm… Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ với con kiến thức lịch sử, cuộc sống. Khoảng cách giữa hai bố con được xích lại phần nào”, anh Kiên nói. 

Về việc học, anh Kiên đồng ý cho My đến trung tâm học theo ý con. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô bé nhận ra mình đang học như một “chiếc máy copy”, không hiểu bản chất đề bài, không sáng tạo được cách làm. Cô bé trở về, quyết định theo học “thầy Kiên”.

Empty

 

Anh Kiên tự lên giáo trình để tìm lại kiến thức cơ bản môn Toán cho Trà My. Đó là quãng thời gian mà hai bố con phải thực sự kiên trì, học lại từ kiến thức cấp 1. Đến giữa năm học lớp 8, hai bố con đã “đuổi kịp” chương trình học. Trà My tự tin với kiến thức nền tảng, có thể tự chủ động học tập. Cô bé lúc này cũng đã “ngấm” những thói quen tốt từ bố, đó là sự ngăn nắp – liên trì – tư duy tích cực.

“Bố như một người bạn, đồng hành với con trong việc học, tư vấn cho con về tình cảm tuổi mới lớn, chia sẻ các kiến thức cuộc sống, thậm chí còn lan tỏa tới con tình yêu nghệ thuật”, Trà My hãnh diện chia sẻ về bố.

Trong quá trình đồng hành cùng con, anh Kiên nhận ra con gái có nét trời phú về ngoại hình: gương mặt thanh tú, chiều cao ấn tượng. “Mẹ Trà My rất xinh đẹp với chiều cao 1m76. Tôi cao 1m70. Anh trai My cao 1m85. Tôi tin với chế độ tập luyện, ăn uống, con hoàn toàn đạt được chiều cao lý tưởng 1m70 trở lên”, anh Kiên chia sẻ.

Nhận ra lợi thế ngoại hình của con, anh Kiên không ngại chia sẻ với mọi người: Vài năm nữa, Trà My sẽ đi thi Hoa hậu. Ngay cả người thân trong gia đình cũng chê bai ý tưởng của anh Kiên. Nhiều người nói anh “điên”, “hâm dở”, “ảo tưởng”.

Empty

 

Anh Kiên xác định, để con có thể tham gia vào cuộc thi sắc đẹp, Trà My cần được rèn giũa về ba khía cạnh: Ngoại hình – sức khỏe thể chất; Tri thức và Tâm hồn.

Ngoài được bố trực tiếp kèm cặp môn Toán, các môn tự nhiên, Trà My tự học Văn học và được bố đầu tư để học Tiếng Anh rất bài bản. Anh Kiên rất chú trọng tới việc dạy con cách tư duy mạch lạc, logic, tư duy phản biện. Hai bố con thường cùng đọc sách và trao đổi, chia sẻ với nhau. 

Trà My bị cận từ nhỏ, luôn phải kè kè cặp kính. Anh Kiên đã tìm nhiều phương pháp để giúp con cải thiện thị lực. Cuối cùng, anh gửi con học Yoga đôi mắt. Từ đây, Trà My cũng tìm hiểu và “nghiện” Yoga. Cô bé đang luyện tập Yoga dây – một bộ môn đòi hỏi thể lực và rất nhiều kĩ năng. Tại nhà, anh Kiên cũng đầu tư các thiết bị hiện đại để hai bố con tập GYM, chạy bộ… Trà My tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ MC, truyền thông, bóng rổ…

Empty

 

Anh Kiên là một người rất yêu nghệ thuật dân gian truyền thống. Sự gần gũi giữa hai bố con đã khiến tình yêu đó của anh ngấm dần vào Trà My.

“Bố con hát chầu văn rất hay. Con thích nghe bố hát và chia sẻ về chầu văn. Giọng con không được hay và khỏe như bố nhưng con dự định sẽ đi học hát xẩm. Con cũng mong trở thành một người am tường văn hóa Việt như bố”, Trà My tâm sự. 

“Tôi luôn dạy Trà My rằng, hình thể và sắc đẹp chỉ là điều kiện cần để trở thành Hoa hậu. Tri thức và tâm hồn mới là điều kiện đủ. Tôi tin với nền tảng đó, Trà My sẽ tự mình đối mặt với những cám dỗ, khó khăn nếu trở thành Hoa hậu”, anh Kiên chia sẻ.

Empty

 

Anh Kiên và con gái xác định: Đi thi Hoa hậu không phải là đích đến, đó chỉ là điểm khởi đầu. “Con cảm thấy hạnh phúc với hành trình mà bố cùng con đang thực hiện. Bố chưa bao giờ ép buộc con theo ý bố, thực hiện ước mơ của bố mà chỉ khơi gợi cho con”, Trà My chia sẻ.

Trà My cũng thừa nhận, để dạy con, bố đã không ngừng nỗ lực, tự thay đổi những tính xấu của chính mình. “Chính những điều bố làm đã khiến anh em con ngưỡng mộ, yêu bố nhiều hơn. Bố là một người cha, người bạn tuyệt vời”, Trà My nói.

 “Cảm ơn bố vì tất cả”, cô bé 16 tuổi nói và ôm chầm lấy bố.

Bài viết mới nhất

Những mùi nước hoa giúp nàng tỏa hương trong mùa đông

Mùa đông không chỉ là thời điểm để khoác lên mình những chiếc áo len ấm áp hay những chiếc khăn choàng thời thượng,...

Bữa sáng ngon và tiện với nguồn dinh dưỡng dồi dào từ yến mạch

Yến mạch - nguyên liệu “thần thánh” giàu chất dinh dưỡng, giúp cơ thể khỏe và đẹp hơn mỗi ngày. Thường xuất hiện trong những...

10 năm kinh nghiệm của hoa hậu Kỳ Duyên vẫn chưa đủ để chinh chiến trên đấu trường quốc tế?

Mới đây, hoa hậu Kỳ Duyên đã đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi Miss Universe 2024 và đã phải dừng chân...

NAM VƯƠNG TUẤN NGỌC TRỞ THÀNH ỨNG VIÊN SÁNG GIÁ TẠI MR WORLD 2024

Nam vương Phạm Tuấn Ngọc đã xuất sắc vượt qua vòng thử thách đối đầu, chính thức góp mặt trong Top 20 Head to...

Miss International 2024 Thanh Thủy chia sẻ bí kíp để chị em có nhan sắc xinh như hoa hậu

Miss International 2024 Huỳnh Trần Thanh Thủy chia sẻ rằng, ngoài việc ăn 3 bữa 1 ngày, cô còn có bí kíp để nhan...