Theo các chuyên gia da liễu, xông hơi mặt thúc đẩy quá trình tẩy tế bào chết cho da, giúp sản phẩm skincare thấm vào da tốt hơn cũng như tăng tuần hoàn máu.

Bạn không nên xông hơi quá lâu để tránh làm khô da. Ảnh: Maed.

Xông hơi mặt là phương pháp tự chăm sóc bản thân bắt nguồn từ đế chế La Mã. Nguyên liệu để xông hơi da mặt thường đơn giản bao gồm nước đủ nóng để tạo hơi nước và đôi khi đắp một chiếc khăn nóng qua đầu để tạo ra không gian giữ hơi nước giúp da hấp thụ tốt hơn.

Để xông hơi mặt, bạn có thể đến các spa để nhận tư vấn từ chuyên gia thẩm mỹ hoặc cũng có thể tự mua thiết bị xông hơi mặt tại nhà. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả để chăm sóc da, chuẩn bị cho dịp Tết.

Xông hơi là liệu pháp đơn giản mà không tốn nhiều chi phí vì chỉ cần úp mặt vào bát nước nóng hoặc ngồi trước máy xông hơi mặt. Vì thế, hầu hết mọi người đều có thể thấy được hiệu quả và lợi ích từ việc này.

Thúc đẩy quá trình tẩy da chết

Caroline Robinson, bác sĩ da liễu, người sáng lập của Tone Dermatology, Chicago, cho hay: “Có quan niệm sai lầm là xông hơi mặt sẽ giúp mở và làm thông thoáng lỗ chân lông. Tuy nhiên, lỗ chân lông của chúng ta là những cấu trúc cố định, không đóng hay mở để phản ứng với sự thay đổi của nhiệt độ”.

Vậy điều gì thực sự xảy ra khi bạn tiếp xúc với hơi nước? Anthony Rossi, bác sĩ da liễu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, giải thích: “Lớp da chết trên cùng (hay được gọi là lớp sừng) trở nên mềm và dễ thẩm thấu hơn để loại bỏ dầu, bụi bẩn hoặc vi khuẩn gây mụn bám trên bề mặt da. Đó là hình thức tẩy da chết vật lý”.

Bác sĩ Rossi cho biết thêm tẩy tế bào chết quá nhiều có thể gây ra các vấn đề như mẩn đỏ hoặc bào mòn, nhưng sau khi xông hơi, bạn có thể sử dụng khăn khô trên mặt (theo chuyển động tròn) để nhẹ nhàng tiếp tục tẩy da chết và loại bỏ da chết, dầu, bụi bẩn hoặc vi khuẩn.

Làm tăng tuần hoàn máu

Xông hơi nhanh trong 10 phút là đủ để máu lưu thông. Bác sĩ Rossi nói: “Nhiệt độ cao hơn báo hiệu cho não làm giãn các mạch máu ở khu vực đó và tăng tuần hoàn”.

Sự gia tăng tuần hoàn đó có thể tạm thời mang lại cho bạn làn da ửng hồng (tùy thuộc vào màu da của bạn) và làn da sáng khỏe. Thêm vào đó, dòng chảy của máu giúp oxy lưu thông đến các tế bào da dễ dàng hơn, bác sĩ Rossi cho biết thêm.

Sau khi xông hơi cũng có thể là thời điểm tốt nhất để thoa serum chống oxy hóa (có chứa vitamin C hoặc vitamin E) vì lúc này hàng rào bảo vệ da được nới lỏng.

Cung cấp độ ẩm cho làn da

Về mặt lý thuyết, vì bạn xông mặt bằng nước hơi ấm, nó có thể mang lại độ ẩm cho da.

Geeta Yadav, bác sĩ da liễu, người sáng lập Skin Science Dermatology, cho hay: “Xông hơi ấm được sử dụng để cấp nước tạm thời cho da, nhưng cũng có thể làm khô da nếu thực hiện quá lâu”.

Bác sĩ Robinson giải thích lớp trên cùng của da trở nên mềm hơn và dễ thẩm thấu hơn khi tiếp xúc với hơi nước, nên lúc đầu quá trình hydrat hóa sẽ dễ dàng xảy ra.

Nhưng bạn cũng có thể dễ dàng mất nước do xông hơi quá mức thông qua quá trình gọi là mất nước qua biểu bì. Về cơ bản, hàng rào của da trở nên “dễ rò rỉ hơn” vì nó mềm và nước có thể dễ dàng thấm ra ngoài hơn.

Khả năng thẩm thấu này giúp tẩy tế bào chết, nhưng các chuyên gia khuyên nên duy trì thời gian xông hơi mặt ngắn để tránh vô tình làm da khô hơn.

Xông hơi mặt là một trong những bước đầu tiên được thực hiện trước khi tiến vào các bước dưỡng da chuyên sâu tại spa. Ảnh: Christinevalmy.

Giúp da hấp thụ các sản phẩm tốt hơn

Hầu như tất cả lợi ích tiềm năng của việc xông hơi da mặt bao gồm việc hấp thụ sản phẩm, đều quay trở lại việc làm mềm lớp sừng. Sự thẩm thấu tăng lên ở lớp trên cùng của da cho phép các sản phẩm đi vào dễ dàng hơn.

Quá trình hydrat hóa có thể bị mất đi, bạn sẽ muốn bổ sung cho làn da một số sản phẩm dưỡng ẩm ngay sau khi xông hơi. Yadav nói: “Cách bạn chăm sóc da sau khi xông hơi tương quan trực tiếp đến mức độ giữ nước của da”.

Bác sĩ Yadav giải thích: “Điều quan trọng là bạn cần sử dụng các loại serum có chất giữ ẩm như axit hyaluronic hoặc glycerin. Tiếp theo, bạn cần thoa kem dưỡng ẩm dày hơn có chứa các thành phần củng cố hàng rào bảo vệ da và ngăn ngừa mất độ ẩm”.

Bà cho biết thêm: “Khi hàng rào độ ẩm của da bị suy yếu hoặc bị tổn thương, mức độ mất nước qua biểu bì sẽ tăng lên, khiến da bị khô từ trong ra ngoài”.

Yadav gợi ý bạn hãy tìm loại kem dưỡng ẩm có ceramides trên bao bì để ngăn nước thoát ra và giữ ẩm. Và những công thức kem dưỡng ẩm dày hơn, nhiều nước hơn sẽ mất nhiều thời gian để da hấp thụ, giữ cho hàng rào độ ẩm của da không bị ảnh hưởng.

Tùy thuộc vào loại da và tình trạng da nhất định mà việc xông hơi có thể khiến da khô, nhạy cảm hơn và dễ bị viêm hơn.

Bác sĩ Robinson nói: “Nhiệt và hơi nước là những tác nhân gây ra bệnh da liễu như bệnh rosacea, nám da và bệnh chàm. Về cơ bản, nhiệt có thể gây viêm. Vì vậy, bất kỳ ai dễ mắc các bệnh về da liên quan đến viêm hay mụn trứng cá (nếu là mạn tính) nên hạn chế phương pháp xông hơi tại nhà”.

Hơi nóng từ việc xông hơi có thể làm tình trạng da bị mụn trầm trọng thêm và thậm chí là làm da rất nhờn, theo bác sĩ Robinson.

Ngoài các tình trạng trên, bạn có nguy cơ bị bỏng vì hơi nước. Theo Hiệp hội Bỏng Mỹ (ABA), nước có thể gây bỏng trong 5 giây hoặc ít hơn ở 60 độ C. Bác sĩ Rossi cho hay điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải thật cẩn thận nếu xông hơi mặt tại nhà, bằng cách không đun nhiệt độ tô nước quá 49 độ C (khoảng 1 phút 30 giây trong lò vi sóng là đủ, không bắt đầu sôi).

Bạn hãy nhớ là không xông hơi quá khoảng 10 phút hoặc tăng nhiệt độ của máy xông mặt quá cao hơn 49 độ C.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link