Với nền ẩm thực đa dạng, Việt Nam không thiếu những món ăn chiều lòng các tín đồ hảo ngọt, từ đủ loại chè đến bánh, đồ ăn vặt…
Chè trôi nước là một món tráng miệng kết hợp nước đường ngọt, thơm vị gừng và bánh trôi tàu. Món chè thường được ăn khi còn nóng, thêm nước cốt dừa và mè rang. Đây là một đặc sản truyền thống của Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.
Thạch rau câu được làm từ thạch, nước cốt dừa, sữa đặc và các hương liệu như dừa, chuối, chocolate, mocha và vani. Món ăn này được cho là có kết cấu tương tự như panna cotta, một món ngọt kiểu Italy. Những phiên bản thạch rau câu tương tự cũng được chế biến ở khắp Đông Nam Á. Ảnh: Shutterstock.
Chè bưởi là món chè truyền thống được làm từ cùi bưởi, đậu xanh và nước cốt dừa. Vỏ bưởi xanh được bóc bỏ, lấy phần cùi trắng xốp để nấu chè. Phần cùi này được cắt thành khối vuông, ướp muối, ngâm nước, rửa sạch, luộc chín rồi trộn với đường và bột năng. Hỗn hợp này được nấu với đậu xanh hấp, nước, nước cốt dừa và đường cho đến khi tạo thành một hỗn hợp đặc sệt. Chè bưởi đặc biệt phổ biến trong mùa hè với đặc tính giải nhiệt tốt. Ảnh: Shutterstock.
Chè thập cẩm ở Việt Nam có đa dạng các lựa chọn. Món ăn vặt này thường được bán trong cốc nhựa tại các hàng quán trên khắp các nẻo đường. Người ăn có thể tự chọn cốc chè của mình bao gồm những gì với hàng loạt các loại topping khác nhau như trân châu, sương sa hạt lựu, đỗ, thạch, trái cây, caramen, hạt sen, dừa nạo… Ảnh: Shutterstock.
Bánh flan hay caramen là một món tráng miệng cổ điển kiểu Pháp. Tuy đơn giản về nguyên liệu và cách chế biến, bánh flan là một món tráng miệng đẹp mắt và tinh tế. Món này được làm từ hỗn hợp sữa và trứng với hương vị vani hoặc cà phê. Khi ăn, bánh được phục vụ cùng một lớp caramel màu nâu bắt mắt. Ảnh: Shutterstock.
Bánh da lợn cũng là một món ngọt truyền thống của Việt Nam này. Bánh có nhiều lớp được làm từ các thành phần bao gồm đậu xanh xay nhuyễn, bột sắn, bột gạo và nước cốt dừa hoặc nước. Theo truyền thống, lớp màu vàng nhạt được làm bằng đậu xanh, trong khi lớp màu xanh lá có hương vị và màu của lá dứa. Sau khi hấp và làm lạnh, bánh thường được cắt thành hình thoi. Ảnh: Shutterstock.
Bỏng gạo là món ăn vặt bắt miệng có nguồn gốc từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những miếng bỏng vuông vắn, nhẹ, xốp, ăn giòn tan với vị ngọt nhẹ khơi gợi ký ức tuổi thơ của biết bao người. Ảnh: MB.
Bánh bò làm từ bột gạo, nước, đường và men với nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào hình dạng, thành phần và phương pháp chuẩn bị. Điểm đặc trưng của món bánh này là mặt bánh có rất nhiều lỗ khí. Bánh bò có thể được nướng hoặc hấp và nhuộm màu tự nhiên khác nhau. Ảnh: Denise Lu.
Bánh chuối thường bao gồm chuối thái lát kết hợp với sữa đặc, đường, nước cốt dừa và bánh mì, trứng hoặc dừa nạo nếu muốn. Món bánh có thể được hấp hoặc nướng. Tùy thuộc vào nguyên liệu và quy trình nấu, bánh có thể khác nhau về hình dạng và kết cấu. Các phiên bản bánh chuối hấp thường được rắc hạt mè và rưới nước cốt dừa khi ăn. Ảnh: Shutterstock.
Theo An Ngọc (zing) – Ảnh: T.H