Việc lựa chọn và ăn uống cân bằng thực phẩm mang tính âm – dương góp phần tích cực trong việc phòng, điều trị bệnh tật, duy trì sức khỏe tốt.
Thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng âm – dương giúp sức khỏe thể chất và tinh thần luôn khỏe mạnh. Ảnh: SKĐS.
Người Việt Nam có câu “có thực mới vực được đạo”, nhưng ăn ra sao, ăn thế nào để hạn chế bệnh tật, tránh trường hợp “trăm bệnh cũng từ miệng” thì không phải ai cũng biết. Bên cạnh chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng khoa học, chế độ ăn uống đảm bảo tính âm – dương cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Cùng TS.BS Ngô Quang Hải, Ủy viên thường vụ Hội châm cứu Việt Nam, giải đáp các vấn đề xoay quay cách ứng dụng tính âm – dương trong việc ăn uống hàng ngày.
– Thưa chuyên gia, thế nào là nguyên lý âm – dương trong thực phẩm? Vì sao mọi người nên biết và áp dụng thuyết âm dương trong việc ăn uống hàng ngày?
Thuyết âm dương là một phần quan trọng của Đông y và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Theo thuyết này, mọi thứ trong vũ trụ đều có tính chất âm hoặc dương. Sự cân bằng hai tính chất này đóng vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe.
Nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm có tính âm, cơ thể dễ suy nhược với biểu hiện: Tiêu chảy, da xanh xao, thiếu màu sắc trong mắt và da.
Nếu bạn bổ sung quá nhiều thực phẩm có tính dương, cơ thể dễ nổi mụn, lở loét, phát ban, ợ nóng và táo bón.
– Chuyên gia có thể cho biết, ứng dụng tính âm – dương của thực phẩm trong việc ăn uống hàng ngày như thế nào? Những ví dụ điển hình về tính âm – dương trong ăn uống mà chúng ta vẫn áp dụng?
Về lý thuyết, đa phần chúng ta không am hiểu hoặc không biết về thuyết âm dương trong ăn uống. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đã và đang áp dụng thuyết này trong nhiều món ăn hàng ngày.
Chẳng hạn, gừng đứng đầu gia vị nhiệt (dương) có tác dụng thanh hàn, giải cảm cho nên được dùng làm gia vị đi kèm với những thực phẩm có tính hàn (âm) như bí đao, rau cải, cá.
Ớt cũng thuộc loại nhiệt (dương) thường dùng với thức ăn thủy sản. Rau răm thuộc tính nhiệt (dương) ăn kèm với trứng vịt lộn (âm)… đây là những vị thuốc thực liệu dùng hàng ngày để hòa hoãn các tác dụng không mong muốn của các thực phẩm chính như thịt, cá, rau.
Bên cạnh đó, người Việt còn sử dụng thức ăn như những vị thuốc để điều chỉnh sự mất cân bằng âm – dương trong cơ thể. Người bị ốm do quá âm cần ăn đồ dương và ngược lại. Chẳng hạn, người bị bệnh sốt cảm lạnh (âm) ăn các thứ nhiệt (dương) như cháo gừng, cháo tía tô. Người bị sốt cảm nắng (dương) ăn cháo hành (âm)…
Việc áp dụng tính âm – dương của thực phẩm vào việc ăn uống hàng ngày có thể được thực hiện bằng cách:
+ Cân bằng giữa thực phẩm âm và dương: Trong một bữa ăn, bạn nên kết hợp các loại thực phẩm âm và dương. Ví dụ, nếu bạn ăn cơm với các loại thịt (âm), hãy kết hợp với các loại rau củ (dương) để tạo ra một bữa ăn cân bằng và đủ dinh dưỡng.
+ Chọn các loại thực phẩm theo mùa: Theo thuyết âm – dương, các loại thực phẩm cũng có tính chất theo mùa. Trong mùa hè (dương), bạn nên ăn nhiều trái cây có tính âm như dưa hấu, chanh leo, táo….
+ Lựa chọn phương pháp nấu nướng phù hợp: Các phương pháp nấu nướng cũng ảnh hưởng đến tính chất âm – dương của thực phẩm. Vào mùa hè (dương), người Việt thường luộc, nấu cánh, làm nộm, nấu món ăn có nhiều nước (âm) và vị chua (âm) vừa dễ ăn, dễ tiêu hóa vừa giải nhiệt. Vào mùa đông lạnh (âm), người Việt thường xào, rim hoặc kho các món nhiều thịt mỡ (dương) với các gia vị cay như ớt, gừng, tỏi (dương).
+ Tập thể dục để tăng tính dương: Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm căn thẳng và tạo ra sự cân bằng giữa tính chất âm – dương trong cơ thể.
Cách nhận biết thực phẩm âm hay dương đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất lớn cho sức khỏe. Ảnh: SKĐS.
– Thực phẩm được chia thành các thuộc tính hàn (lạnh), mát (lương), ấm (ôn), nhiệt (nóng), bình (trung tính), làm sao để xác định thực phẩm thuộc tính nào?
Người mua thực phẩm có thể dựa vào ngũ vị, màu sắc, hình thái và đặc điểm sống để nhận biết thực phẩm có tính âm hay dương.
- Ngũ vị: Thực phẩm có vị chua, đắng và mặn có tính âm. Thực phẩm có vị cay và ngọt sẽ dương hơn.
- Màu sắc: Thực phẩm có màu lạnh (xanh lá cây, xanh dương, tím, trắng…) mang tính âm. Thực phẩm có màu nóng (đỏ, vàng, cam, hồng…) mang tính dương.
- Hình thái: Thực phẩm trương nở, mềm dẻo và mọng nước (dưa hấu, cam, bưởi, giá đỗ, nấm, măng…) sẽ mang tính âm. Thực phẩm co rút, khô cứng và khô ráo (gạo, các loại hạt, ổi…) sẽ có tính dương.
- Đặc điểm sống: Động thực vật sống dưới nước, ù lỳ, chậm chạp (vịt, ếch, ngó sen, rong biển…) có tính âm hơn. Động thực vật sống trên cạn và vận động nhiều sẽ mang tính dương.
Trong việc ăn uống hàng ngày, chúng ta nên ăn đa dạng loại thực phẩm từ rau xanh đến các loại củ, từ thực phẩm màu nhạt đến đậm và lựa chọn ăn thực phẩm theo mùa để đảm bảo tính cân bằng âm dương, duy trì sức khỏe tốt.
Theo Zing – Ảnh: T.H