Chuột rút ở chân xảy ra có thể do loãng xương, tiểu đường, viêm da cơ… chứ không chỉ do thiếu canxi.
Trong nhận thức của nhiều người, đau nhức chân, chuột rút ở chân là do thiếu canxi. Nhưng thực tế, tình trạng chuột rút ở chân còn có thể là do các vấn đề khác gây ra. Ví dụ như đứng hoặc đi lại lâu, mỏi cơ, mất cân bằng điện giải, thiếu nước, tiểu đường, bệnh lý thần kinh… cùng các nguyên nhân dưới đây.
1. Loãng xương
Loãng xương là bệnh do mật độ xương giảm sút, thường gặp ở người già và phụ nữ mà thiếu canxi và vitamin D là một trong những nguyên nhân chính. Những người bị loãng xương dễ bị các triệu chứng như chuột rút và đau nhức cơ ở chân. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D để tăng mật độ xương.
2. Bệnh tiểu đường
Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa mà biểu hiện bệnh chủ yếu là cơ thể bị suy yếu hoặc tiết không đủ insulin dẫn đến tăng đường huyết. Những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị bệnh thần kinh, bao gồm tổn thương dây thần kinh ở chân và bệnh thần kinh do thiếu máu cục bộ, có thể gây ra triệu chứng chuột rút ở chân.
3. Viêm da cơ (dermatomyositis)
Đây là một bệnh tự miễn dịch có thể ảnh hưởng đến cơ, da, màng hoạt dịch và các cơ quan khác. Đau cơ, chuột rút là những triệu chứng phổ biến. Nếu thường xuyên bị chuột rút ở chân, nên đến bác sĩ để khám tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Nếu bạn thường xuyên bị chuột rút ở chân, bạn có thể ngăn ngừa và giảm bớt tình trạng bằng cách:
1. Tuân thủ các bài tập thể dục vừa sức và tăng cường cơ bắp.
2. Tăng cường uống nước đầy đủ để duy trì cân bằng nước trong cơ thể.
3. Giữ ấm và chống lạnh.
4. Massage chân mỗi tối trước khi đi ngủ để thúc đẩy tuần hoàn máu.
5. Tránh đứng hoặc đi lại lâu.
6. Chú ý dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, ăn vừa phải các loại thực phẩm giàu canxi, magie.
Nếu chuột rút ở chân ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và tiến hành điều trị, điều chỉnh.
Làm thế nào để nhanh chóng giảm chuột rút?
Kéo căng cơ bị ảnh hưởng ở chân bằng tay và giữ trong vài giây có thể làm giảm chuột rút. Nếu chuột rút ở bắp chân, hãy thử nhấc gót chân của bàn chân kia và duỗi nhẹ chân.
Xoa bóp các cơ bị ảnh hưởng. Dùng tay xoa bóp các cơ để giúp thư giãn và cải thiện lưu thông máu.
Ngồi dậy hoặc đứng lên. Nằm trên giường có thể làm cho cơn chuột rút trở nên đau đớn hơn và khó giảm, vì vậy ngồi hoặc đứng càng nhiều càng tốt có thể giúp giảm nhanh cơn đau.
Chườm nóng hoặc lạnh. Sau khi bị chuột rút, bạn có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh. Chườm lạnh giúp giảm đau và sưng cơ, trong khi chườm ấm giúp cải thiện lưu thông máu, giảm căng cơ. Tùy theo sở thích cá nhân mà bạn có thể chọn chườm nóng hoặc chườm lạnh.
Bổ sung nước và điện giải. Mất nước và mất cân bằng điện giải là nguyên nhân phổ biến gây chuột rút. Nạp đủ chất lỏng và chất điện giải có thể làm giảm nguy cơ bị chuột rút.
Nếu chuột rút ở chân xảy ra thường xuyên, hoặc không biến mất, nên đến bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H