Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2015, có 5 doanh nghiệp đạt chuẩn loại A, 7 doanh nghiệp đạt chuẩn loại B vượt qua bốn vòng “xét tuyển” của tập đoàn Samsung và SHTP trong kế hoạch tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn này.
Samsung mới chỉ nhận được sản phẩm in, bao bì từ Việt Nam |
Theo ông Quốc, kế hoạch nói trên nhằm hiện thực hóa mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa đạt 35% theo cam kết Samsung đưa ra khi khởi công xây dựng dự án “Khu phức hợp điện tử gia dụng” (SEHC), vốn đầu tư 1,4 tỷ USD hồi tháng 5/2015 tại SHTP.
Đây là một tin vui đối với doanh nghiệp Việt trong nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Còn nhớ vào tháng 9 năm ngoái, việc đa số doanh nghiệp Việt tham dự buổi tiếp xúc và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung thừa nhận không thể đáp ứng yêu cầu của Samsung, dù chỉ là sản xuất ốc vít đã trở thành một câu chuyện buồn về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Đến hội thảo triển lãm diễn ra lần thứ hai của Samsung gần 1 năm sau (tháng 7/2015), câu chuyện trên vẫn không mấy thay đổi tích cực.
Theo con số Samsung đưa ra, hiện chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam hiện cung ứng trực tiếp cho tập đoàn này. Còn lại khoảng 28 doanh nghiệp còn cung ứng gián tiếp thông qua một doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam.
Qua khảo sát tại triển lãm, các sản phẩm doanh nghiệp Việt cung cấp cũng mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ thấp như: bao bì, đóng gói và khuôn mẫu. Những linh kiện như ốc vít, thậm chí túi bóng bọc dây cáp… vẫn vắng bóng.
Trong khi đó, các gian hàng triển lãm với nhiều linh kiện tinh vi, tinh xảo, hàm lượng giá trị gia tăng cao chủ yếu vẫn thuộc về các doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam như Rftech Vina, Hosiden, Chung Dang, Bokwang…
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung còn thấp, chiếm chưa đến 10%.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp, do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế”, ông nói.
Bởi thế, lần này, thông tin về việc nhiều doanh nghiệp Việt vượt qua vòng xét tuyển của Samsung càng trở nên ý nghĩa, giúp doanh nghiệp Việt tiến gần đến khả năng sản xuất được ốc vít cho Samsung hơn.
An Nhiên