“Mỗi năm hoa đào nở; Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”,… những câu thơ này luôn khiến cho người nghe bồi hồi xúc động, nhớ về một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
Năm mới đến, Hà Nội giấu mình trong tiết trời xuân, có lúc se se lạnh, có lúc rét ngọt ngào, lại có lúc trời hửng lên chút nắng. Người Hà Nội đổ xuống đường, tận hưởng mùa xuân. Và với nhiều người, việc họ không thể không làm hàng năm, đó là thói quen xin chữ đầu năm.
Tục xin chữ đầu năm bắt nguồn từ tinh thần trọng chữ, trọng thầy. |
Tục xin chữ đầu năm trong văn hóa truyền thống Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần trọng chữ, trọng thầy. Xưa kia, ông đồ là người có sức ảnh hưởng về tinh thần rất lớn, với tài năng, cốt cách, tâm và trí của một người vừa dạy chữ thánh hiền, vừa truyền trao nghệ thuật thư pháp. Người đời thì trọng thầy, trọng chữ đến xin chữ, thầy đồ thì chọn người, chọn chữ để tặng. Ai được thầy gọi đến tặng chữ mới thực là người có phúc, có tâm và may mắn. Bởi thế, truyền thống xin, cho chữ đầu năm không chỉ là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời, mà nó còn thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học.
Chữ không chỉ diễn để đạt tư tưởng, khai trí, khai tâm mà còn là phương tiện diễn đạt tình cảm của con người. Ngoài ra, thói quen xin chữ còn bày tỏ sự mong muốn những điều tốt lành sẽ đến với mình.
Theo tục lệ người Việt Nam, cứ từ mùng 2 tết trở đi, mọi người đã nô nức đi xin chữ. Những người đi xin chữ gồm có cả thanh niên, người lớn, học sinh. Những nét chữ uyển chuyển như rồng bay phượng múa, thể hiện khiếu thẩm mỹ của người xin chữ và khả năng viết chữ đẹp của người cho chữ.
Đây được xem là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, đã từng có lúc tưởng chừng như bị lãng quên nay lại được hâm nóng lại bằng sự nhiệt tình và đam mê.
Nơi nhiều người chọn để đến xin chữ nhất chính là khu vực hồ Văn thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nơi đây vốn là Phố ông đồ cũ được đưa từ vỉa hè phố Văn Miếu vào hồ Văn. Ngoài ra, còn một số nơi như đền Ngọc Sơn, nhà ông đồ Lụa ở quận Hoàng Mai cũng tấp nập kẻ vào người ra xin chữ.
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những người thực sự có tâm trân trọng con chữ, tục xin chữ cũng có nhiểu biến tướng. Có nhiều người tâm lý a dua, thấy người ta đi cin thì mình cũng đi chứ thực chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc xin chữ. Cũng có người xin chữ chỉ để chứng tỏ rằng mình không phải là hạng người “xôi thịt”. Nhưng thôi, cũng đành, giữa một rừng văn bản, máy tính, nhộn nhạo và bon chen, người ta con nhớ đến nơi trọng vọng con chữ bằng tài hoa của ông đồ cũng đã là điều gì đó đáng quý và đáng trọng lắm rồi.
Xin chữ đầu năm: Ý nghĩa những chữ hay thường được xin dịp Tết
(Xi nhan) – (Phunutoday) – Xin chữ là phong tục tốt đẹp vẫn được giữ gìn tại đất nước ta, một đất nước có truyền thống hiếu học, trọng thầy, trọng chữ. |