Nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Tiểu đường Đức (Düsseldorf, Đức) đã xem xét tác động của thói quen ăn uống lên bệnh tiểu đường thông qua hồ sơ của 96.000 người. Họ phát hiện ra rằng chỉ cần mỗi tuần bạn bỏ bữa ăn sáng 1 ngày, nguy cơ tiểu đường type 2 đã tăng 6%.
Càng nguy hiểm hơn nếu bạn thuộc tuýp nay ăn, mai bỏ, vì cứ thêm 1 ngày trong tuần bỏ ăn sáng, nguy cơ lại tăng thêm gấp bội. Với 4 ngày bỏ ăn sáng, nguy cơ tiểu đường tăng đến 55%.
Tiến sĩ Sabrina Schlesinger, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết có tới 30% người dân khắp thế giới hay bỏ bữa ăn sáng. Trớ trêu rằng những người thừa cân lại hay bỏ bữa ăn sáng nhất với hy vọng rằng nó giúp giảm lượng calo tổng thể họ nạp trong ngày dẫn đến việc họ càng khó thoát bệnh tiểu đường.
Việc bỏ bữa sáng còn thúc đẩy người ta ăn vặt thêm trong ngày và ăn khuya. Mà những bữa ăn vặt với nhiều thực phẩm không lành manh và việc ăn quá gần giờ ngủ từ lâu đã được chứng minh là gây tăng cân và tiểu đường.
Người bỏ bữa sáng cũng ăn trưa nhiều hơn vì họ đói hơn, dẫn đến sự gia tăng đột biến của glucose và insulin, không tốt cho quá trình trao đổi chất và về lâu dài cũng thúc đẩy sự đề kháng insulin và dẫn đến tiểu đường type 2.
Khi bạn ăn sáng đều đặn, bữa ăn này sẽ khởi động quá trình trao đổi chất của cơ thể và thay đổi cách mà cơ thể sử dụng đường được nạp vào. Thay vì lưu trữ đường trong các tế bào mỡ, bữa ăn sáng giúp cơ thể tập biến nó thành năng lượng. Vì vậy, người ăn sáng sẽ thấy khỏe mạnh, dồi dào năng lượng hơn, giảm việc tích mỡ thừa, đồng thời quản lý tốt hơn cảm giác thèm ăn và các cơn đói trong suốt cả ngày.
Các nhà khoa học khuyến cáo một bữa ăn sáng cân bằng nên dồi dào chất xơ, tinh bột cùng với một ít thịt và đường. Hai thực đơn gợi ý cho người ít thời gian ăn sáng là món bột yến mạch ăn kèm với sữa và trái cây; hoặc bánh mì nướng, ngũ cốc nguyên hạt ăn với món trứng tráng, rau củ.