Nên xem kỹ thành phần dinh dưỡng của sản phẩm vì nước tăng lực có chứa nhiều loại vitamin và chất dinh dưỡng mà nếu nạp quá lượng cần thiết cho cơ thể sẽ có thể bị hại” mà một trong hai bài báo nêu lên là đúng.
Gần đây, các cơ quan an toàn thực phẩm của nhiều nước, đặc biệt Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đánh giá việc lạm dụng nước tăng lực và xem đây là nguy cơ rất lớn làm tổn hại sức khỏe cộng đồng.
Nước tăng lực tùy công ty sản xuất có công thức “bí quyết” riêng, nhưng thành phần thường chứa nhiều nhất là đường (sẽ chuyển hóa thành glucose cung cấp năng lượng), kế đó là caffeine, inositol, taurine, adenosine, màu thực phẩm, chất bảo quản và đặc biệt một số loại vitamin.
Có thứ cần phải cảnh giác là nước tăng lực chứa quá nhiều đường. Gọi là “tăng lực” là nhờ lượng đường chứa rất nhiều làm thứ nước này uống rất ngọt.
Những người uống nhiều nước tăng lực do chứa nhiều đường mà vẫn ăn nhiều sẽ có nhiều nguy cơ bị béo phì hay bị tiền đái tháo đường (rất dễ chuyển thành đái tháo đường).
Nước tăng lực thường có chứa lượng lớn caffeine.
Một số người gọi là không “hạp” caffeine có thể bị mất ngủ (do caffeine gây kích thích) hoặc tim đập nhanh (caffeine làm tăng nhịp tim) gây khó chịu, rất mệt hoặc tăng dịch vị dạ dày gây xót ruột.
Hiện nay, châu Âu bắt buộc nhà sản xuất nước tăng lực phải ghi trên nhãn, bao bì: “Sản phảm chứa lượng cao caffeine.
Không khuyến cáo trẻ con, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú dùng sản phẩm này”. Còn FDA Hoa Kỳ từ năm 2012 yêu cầu và kiểm tra gắt các nhà sản xuất báo cáo thường kỳ về phản ứng có hại của nước tăng lực.
Riêng với vitamin B3 là vitamin tan trong nước cũng là loại thường có chứa trong nước tăng lực. Vitamin B3 còn gọi là vitamin PP hay niacin hay nicotinamide.
Với tên niacin và dùng ở liều cao, vitamin B3 được dùng làm thuốc trị rối loạn lipid máu (tăng mỡ trong máu).
Khi dùng liều cao trị rối loạn lipid máu, vitamin B3 có thể gây một số tác dụng phụ như: buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da, còn dùng liều quá cao nữa (liều tối đa 6.000mg dùng trị rối loạn lipid máu) thì vitamin B3 có thể gây tác dụng phụ rất hiếm là độc ở gan (hepatotoxicity) làm suy gan.
Dù uống nhiều nước tăng lực thế nào đi chăng nữa vẫn không thể có mối liên hệ giữa việc uống nước này với viêm gan B hay viêm gan C là bệnh lý do nhiễm siêu vi đã nói ở trên.
Có chăng là việc uống quá nhiều nước tăng lực làm cho bệnh lý nhiễm siêu vi tiềm ẩn bộc phát nặng hơn?