Táo đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe, nhưng người tiểu đường, tiêu hóa kém hay nóng trong cần cân nhắc trước khi sử dụng.
Giá trị dinh dưỡng của táo đỏ
Táo đỏ là vị thuốc được nhiều người ưa chuộng vì không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có thể dưỡng huyết, an thần, bổ khí. Trong 100 g táo đỏ chứa 0,23 mg carotene và 0,18 mg riboflavin, vitamin E, vitamin B2, vitamin A, vitamin C và các chất dinh dưỡng khác.
Táo đỏ còn được gọi là “vitamin sống” vì rất giàu các nguyên tố vi lượng và khoáng chất như sắt, canxi và phốt pho.
Lợi ích của táo đỏ
Bảo vệ gan
Chất đạm, đường và các chất khác trong táo đỏ có tác dụng dưỡng gan, thúc đẩy gan tổng hợp đạm, tăng hàm lượng globin và albumin trong huyết thanh. Ngoài ra, đường, hợp chất AMP vòng và vitamin trong táo đỏ có thể làm giảm tác hại của các chất hóa học khác nhau đối với gan, giúp bảo vệ gan và giải độc.
Ngăn rụng tóc
Táo đỏ hỗ trợ kiện tỳ ích vị, nếu tỳ tốt thì da thịt săn chắc, da dẻ tươi nhuận. Tình trạng tóc rụng sẽ giảm, tóc mọc đen và đẹp hơn.
Nuôi dưỡng máu
Táo đỏ có tác dụng bổ khí và dưỡng huyết. Nó không chỉ nuôi dưỡng máu mà còn có thể làm giảm các triệu chứng như thiếu máu, bồn chồn, tăng cường khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể.
Xoa dịu thần kinh
Táo đỏ có tác dụng kép là trấn tĩnh thần kinh và bổ máu. Trong y học cổ Trung Quốc, nó thường được dùng để điều trị hội chứng tạng phủ (hội chứng mãn kinh).
Y học Trung Quốc sẽ sử dụng thuốc sắc để điều trị những vấn đề này bằng cách kết hợp táo đỏ làm nguyên liệu chính với cam thảo và lúa mì để làm dịu gan, giảm trầm cảm, dưỡng huyết, làm dịu thần kinh. Do đó, táo đỏ rất thích hợp với chứng mất ngủ do thiếu máu.
Ai nên chú ý khi ăn táo đỏ?
Người bị tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường thường bị suy giảm khả năng tiết insulin hoặc thụ thể insulin trên bề mặt tế bào và quá trình gắn kết với insulin, khiến đường trong cơ thể không được sử dụng, vận chuyển kịp thời. Tình trạng này khiến lượng đường trong máu vượt quá tiêu chuẩn, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh thận, dễ gây nguy hại và phiền toái cho sức khỏe người bệnh.
Hàm lượng đường trong táo đỏ rất cao, do đó bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt lưu ý khi ăn táo đỏ. Nếu không để ý kỹ, rất có thể lượng đường nạp vào cơ thể họ vượt quá mức cho phép.
Người tiêu hóa kém
Ăn táo đỏ giúp bổ tỳ ích vị, tuy nhiên, nếu chức năng tiêu hóa của bạn không tốt thì không nên ăn táo đỏ. Điều này là do vỏ táo đỏ tương đối cứng, chứa nhiều cellulose cứng, không có lợi cho sự vận chuyển và chuyển hóa của lá lách và dạ dày, đồng thời không có lợi cho tiêu hóa.
Người nóng trong
Nóng trong là thuật ngữ chung chỉ một loạt các biểu hiện bộc lộ ra ngoài sau khi âm dương bên trong mất cân bằng, bao gồm đau họng, đỏ và sưng mắt, chảy máu cam thường xuyên, loét miệng và các vấn đề khác.
Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, táo đỏ là một loại thực phẩm có tính ấm, sau khi ăn táo sẽ dễ phát sinh vấn đề nóng trong. Nếu bạn có cơ địa dễ bị nóng trong người, khi ăn đồ có tính ấm như táo đỏ, hiện tượng nóng trong có thể xảy ra.
Người có thể chất đàm ẩm
Người có thể chất đàm ẩm (dịch ứ trong người) có những đặc điểm rõ ràng, đó là niêm mạc lưỡi dày nhờn, ăn không ngon, luôn có hiện tượng ảnh hưởng đến khẩu vị. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu…
Người có thể chất đàm ẩm không phù hợp ăn táo đỏ, do sau khi ăn, carbohydrate trong táo đỏ dễ dàng kết dính đờm vào cơ thể, không thể đào thải ra ngoài, khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Lưu ý khi ăn táo đỏ
Mỗi lần ăn cần kiểm soát lượng
Mặc dù thói quen ăn táo đỏ có lợi cho sức khỏe, không nên thường xuyên ăn nhiều, cần kiểm soát số lượng. Các bác sĩ khuyến cáo mỗi lần ăn chỉ giới hạn trong khoảng 25 g, không nên ăn quá nhiều một lúc, nếu không sẽ dễ bị sâu răng, dễ sinh đờm và ẩm ướt trong cơ thể.
Không dùng cùng thuốc hạ sốt
Vì hàm lượng đường trong táo đỏ tương đối cao, nếu dùng cùng thuốc hạ sốt sẽ làm giảm tốc độ hấp thu của thuốc, không có lợi cho việc hồi phục bệnh.
Ăn táo đỏ sống hay nấu chín tốt hơn?
Do vitamin không chịu được nhiệt độ cao nên sau khi hấp hoặc nấu táo đỏ, lượng vitamin trong táo sẽ bị mất đi, tuy nhiên các khoáng chất như sắt, kali vẫn còn. Vì thế, bạn vẫn có thể đạt được tác dụng bổ khí dưỡng huyết nếu nấu chín. Ngoài ra, vỏ táo đỏ sau khi nấu sẽ trở nên mềm mại, dễ ăn hơn, có tác dụng kiện tỳ ích vị, giải quyết vấn đề khó tiêu mà nhiều người mắc phải. Nấu chín hoặc hấp táo đỏ trước khi ăn có thể giảm bớt tổn thương cho lá lách và dạ dày, đồng thời giúp ích cho sức khỏe của bạn.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H