Rau và hoa quả là một trong 4 nhóm thực phẩm thiết yếu để có một bữa ăn hợp lý ở các gia đình. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh đồng 2 loại thực phẩm này.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ăn ít rau và hoa quả được xem là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số ca tử vong trên thế giới.

Đây cũng là nguyên nhân của 19% số bệnh nhân ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cục bộ, 11% trường hợp đột quỵ.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hơn 80% nguồn vitamin A sẵn có và gần 100% nguồn vitamin C được cung cấp từ rau và hoa quả.

Giá trị của rau và hoa quả

BS Tiến khẳng định rau và hoa quả cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao, nhất là vitamin C, chất khoáng và vi khoáng. Ngoài ra, các thực phẩm này còn bổ sung các axit hữu cơ, xenluloza, một số chất chống oxy hóa, qua đó nâng cao sức khỏe và phòng chống nhiều bệnh mạn tính không lây nhiễm.

Ở các nước đang phát triển, hơn 80% nguồn vitamin A sẵn có được cung cấp từ rau quả tươi dưới dạng caroten. Mặt khác, gần 100% vitamin C cũng được cung cấp từ rau xanh và các loại quả.

Rau muống được tiêu thụ thường xuyên nên mang lại giá trị dinh dưỡng không nhỏ. Ảnh minh họa: thespruceeats.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy các loại rau xanh như rau ngót, rau đay, rau dền… có giá trị dinh dưỡng rất cao, đồng đều về hàm lượng caroten, vitamin C, sắt, giàu các loại muối khoáng, vi khoáng.

Đáng nói, lượng protein (chất đạm) của những loại rau này cao gấp 3-5 lần các loại rau khác. Một thực phẩm phổ biến khác là rau muống.

“Những chỉ số này của rau muống kém rau ngót và rau đay nhưng chúng lại được nhiều người ưa thích, sử dụng thường xuyên, quanh năm với số lượng lớn (cao hơn vài chục lần các loại rau khác). Do đó, giá trị của rau muống là không nhỏ”, vị chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, các loại rau gia vị như mùi, tía tô, húng, thì là… cũng có hàm lượng caroten cao và đồng đều hơn so với rau ăn và quả ngọt, tiêu biểu là tía tô, húng quế, ớt vàng… Các loại rau gia vị này đồng thời rất giàu sắt.

BS Tiến nói thêm: “Rau gia vị còn được sử dụng tươi sống, không bị tổn thất dinh dưỡng qua nấu nướng, nên giá trị sử dụng các vitamin rất cao. Ngoài ra, các rau gia vị còn cung cấp nguồn kháng sinh thực vật rất có giá trị”.

Với trái cây, vị chuyên gia nhận định các loại quả chín màu vàng, đỏ, da cam như đu đủ, hồng, dưa hấu, cam, quýt vàng có hàm lượng caroten khá cao và giàu sắt.

Đáng chú ý, màng gấc tươi cũng có hàm lượng caroten đặc biệt cao. Đây là một loại quả quý được nhiều người quan tâm nghiên cứu về khả năng phòng bệnh do thiếu vitamin A, chống oxy hóa hay ung thư.

Hoa quả không thể thay thế cho rau xanh.

BS Nguyễn Văn Tiến cho hay: “Một số người lo lắng rau xanh không đảm bảo an toàn thực phẩm và cho rằng hàng ngày có thể bớt lượng rau ăn vào, thậm chí không ăn rau, nhưng trái cây nhất định phải có, đồng thời coi hoa quả như một thức ăn thay thế rau xanh. Tuy nhiên, hành động này có thể rất nguy hại”, BS Tiến nhận định.

Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thừa nhận trái cây ngon và rất có ích cho cơ thể. Tuy nhiên, dùng trái cây để thay thế hoàn toàn rau lại không phù hợp với khoa học dinh dưỡng.

Nguyên nhân là rau có tác dụng cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp đào thải chất độc, cholesterol ra khỏi cơ thể và chống táo bón. Một số rau gia vị còn có tác dụng chữa bệnh nhờ các tinh dầu và kháng sinh thực vật như hành ta, hành tây, tỏi, củ cải, cà rốt, cà chua, bí ngô, ớt…

Dù tốt, các loại trái cây đều không thể thay thế hoàn toàn rau xanh. Ảnh minh họa: nordwood_themes.

Mặt khác, hàm lượng các sinh tố và chất xơ trong rau cũng cao hơn so với trái cây.

“Các chất xơ trong rau có cấu trúc mịn màng, hàm lượng cao hơn hoa quả, từ đó giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có ở trong 3 nhóm thức ăn cơ bản (chất đạm, đường (tinh bột), chất béo). Nếu chỉ ăn đơn thuần các protein động vật, hiệu suất hấp thụ protein trên đường tiêu hóa chỉ còn 70%. Trong khi đó, nếu ăn thêm rau, hiệu suất hấp thụ protein sẽ đạt 90%”, BS Tiến lý giải.

Từ đây, ông nhấn mạnh rau có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ vì hàm lượng chất xơ nhiều hơn trong hoa quả. Vì vậy, chúng ta không thể dùng trái cây để thay thế rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình.

“Mọi người nên sử dụng đủ rau và quả chín quanh năm với lượng trung bình là 400 g/người/ngày”, BS Tiến khuyên.

Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H