Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP HCM, chất xơ có nhiều tác dụng đối với cơ thể, giúp tiêu hóa tốt, nâng cao sức khỏe, giảm cân… Việc bổ sung đầy đủ chất xơ được xem là không thể thiếu trong các bữa ăn. Trung bình cơ thể người cần 20-30 g chất xơ trong một ngày.
Thói quen thường xuyên dùng thức ăn đã qua chế biến sẵn ít rau xanh phần nào làm thiếu hụt lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Cảm thấy nhanh đói
Ăn uống giàu protein nhưng ít chất xơ khiến bạn cảm thấy đói rất nhanh. Chất xơ cần một thời gian đáng kể để tiêu hóa, mang lại cảm giác no lâu. Nếu bạn cảm thấy đói chỉ sau hơn một giờ ăn, đó có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu chất xơ.
Táo bón và nguy cơ mắc bệnh trĩ
Thường xuyên bị táo bón sẽ có nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ. Đây là tác hại tiếp theo của việc cơ thể thiếu chất xơ và cũng là điều hầu hết mọi người biết nhưng bỏ qua.
Tăng nguy cơ về tim mạch
Cơ thể càng nạp nhiều chất xơ, bạn càng ít đối mặt với nguy cơ về bệnh tim mạch và cholesterol cao. Chất xơ giúp đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể. Bạn không ăn nhiều chất xơ trong rau thì nguy cơ cao khi về già sẽ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Tăng lượng đường trong máu
Chất xơ giữ lượng đường trong máu ổn định. Nếu ăn thực phẩm giàu carbohydrate (như đường, tinh bột) và không đủ chất xơ, đường huyết thường tăng cao. Việc thay đổi đột ngột này khiến cơ thể mệt mỏi, tăng nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường. Người ăn ít chất xơ, thường xuyên ăn nhiều đường nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với người thường xuyên ăn đầy đủ chất này.
Thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như đậu đỏ giúp nhuận tràng, lợi tiểu, điều tiết đường máu và đẹp da. Súp lơ xanh làm sạch lượng estrogen dư thừa trong cơ thể. Bắp cũng là nguồn cung cấp chất xơ rất tốt với hàm lượng calo thấp. Ngoài ra, các loại trái cây tốt cho hệ tiêu hóa và giàu chất xơ như chuối, cam, bưởi, lê, táo…