Đậu đen ngâm giấm, lạc rang hay luộc, long nhãn và kỷ tử có thể ăn buổi sáng hoặc trước giờ ngủ đêm, rất tốt cho sức khỏe, dưỡng khí huyết, ngừa bệnh tật.

1. Đậu đen ngâm giấm

4 món nhai vào buổi sáng và trước khi ngủ giúp bổ gan thận

Được mệnh danh là “thung lũng của thận”, đậu đen có tác dụng bổ thận, thích hợp cho người thận âm yếu, thận khí yếu, ngăn đổ mồ hôi đêm. Ngoài bổ thận, đậu đen còn có thể bổ sung âm khí cho gan, giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện thị lực.

Ăn đậu đen có nhiều cách, trong đó một cách đặc biệt bổ dưỡng là ngâm giấm. Sách y khoa 52 bài thuốc của Trung Quốc ghi rõ: Đậu đen ngâm giấm có tác dụng bổ dạ dày và thận, ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ.

Từ góc độ dinh dưỡng, nhiều thực phẩm nếu nấu ở nhiệt độ cao dễ khiến dinh dưỡng bị phá hủy, nhưng trong điều kiện có tính axit, một số vitamin thường tương đối ổn định. Vì vậy, ngâm đậu đen trong giấm sẽ có lợi cho quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng trong đậu đen.

Cách làm đậu đen ngâm giấm:

– Chuẩn bị 100 g đậu đen, 150 g giấm gạo, một thìa mật ong.

– Cho đậu đen đã rửa sạch, để khô vào chảo, bật lửa vừa, rang cho đến khi nứt vỏ thì hạ lửa nhỏ, rang thêm 5 phút nữa. Để nguội ở nơi thoáng khí.

– Cho đậu đen vào lọ rồi đổ giấm vào sao cho ngập đậu. Đậy kín và để trong tủ lạnh trong hai ngày, thêm mật ong, trộn đều và dùng. Nên ăn 3-6 hạt đậu mỗi ngày.

2. Đậu phộng (lạc)

Được mệnh danh là loại “loại củ quả trường thọ” rẻ nhất, đậu phộng có giá trị dinh dưỡng cao, chứa hàm lượng protein và canxi dồi dào. Hàm lượng protein trong đậu phộng chiếm 23,9%, gấp 1,5- 2 lần so với trứng; trong khi hàm lượng canxi lên tới 284 mg/100 gram, gấp 3-5 lần so với các loại hạt thông thường.

Trong số các chất dinh dưỡng của đậu phộng, nhiều chất tốt cho sức khỏe não bộ. Ví dụ, lecithin và cephalin là những chất quan trọng cần thiết cho hệ thần kinh, có thể trì hoãn sự suy giảm chức năng não, ức chế kết tập tiểu cầu và ngăn ngừa sự hình thành huyết khối não. Các cách ăn đậu phộng có tác dụng bảo vệ sức khỏe khác nhau, bao gồm:

– Đậu phộng sống có thể nuôi dưỡng lá lách và dạ dày, có thể thúc đẩy sự thèm ăn và nâng cao khả năng tiêu hóa, hấp thu. Đậu phộng sống có vị ngọt tươi, nếu ăn cùng bánh bao hấp sẽ mang lại hương vị đặc biệt thơm ngon, có thể thử dùng cho bữa sáng.

– Đậu phộng luộc có tác dụng làm ẩm phổi. Món ăn này tuy có cách làm đơn giản nhưng hương vị không thua kém đậu phộng sống, còn có thể giữ lại phần lớn chất dinh dưỡng. Y học cổ truyền Trung Quốc ghi nhận đậu phộng luộc có thể làm giảm đờm và ho khan.

– Đậu phộng rang có tác dụng bảo vệ gan. Người thích thức khuya, ngủ không ngon, thường xuyên uống rượu có thể ăn một ít đậu phộng rang để bồi bổ gan.

– Đậu phộng ngâm giấm có thể bảo vệ mạch máu, tránh hình thành các khối huyết.

3. Long nhãn (nhãn khô)

Long nhãn là cùi nhãn tươi sấy khô. Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng nhãn khô có tác dụng bổ tim, bổ tỳ, dưỡng huyết, an thần. Long nhãn có tác dụng bổ dưỡng với người lao động nặng. Những người công nhân bận rộn và sinh viên bận bịu với việc học ăn long nhãn giúp bổ huyết, giảm mệt mỏi. Món ăn này cũng tốt cho những người thiếu hụt khí huyết, sắc mặt nhợt nhạt, hồi hộp, mất ngủ.

Long nhãn còn có lợi cho lá lách và dạ dày. Tuy có vị ngọt nhưng nó có thể giúp lá lách sinh máu, không gây thêm gánh nặng cho lá lách và dạ dày, dễ tiêu hóa, dùng làm bữa ăn nhẹ hàng ngày. Ăn khoảng 10 hạt long nhãn mỗi ngày là phù hợp. Người có thể chất lạnh, khí huyết yếu có thể ăn nhiều, người có thể chất nóng, dễ nóng giận nên ăn ít hơn.

4. Quả kỷ tử

Nói đến các vị thuốc bảo vệ sức khỏe, không thể không nhắc đến kỷ tử. Loại quả này có vị ngọt, có thể nuôi dưỡng thận, dưỡng ẩm phổi, bổ máu, bổ gan và cải thiện thị lực. Nghiên cứu y học hiện đại còn cho thấy trong quả kỷ tử có chứa cumylamine A, betaine, vitamin tổng hợp, axit amin, canxi, sắt và các chất dinh dưỡng khác, giúp hạ huyết áp, giảm lượng đường trong máu, cholesterol, bảo vệ gan, cải thiện khả năng miễn dịch và chống lại quá trình oxy hóa.

Cách tốt nhất để ăn quả kỷ tử là nhai khô. Cách ăn này không chỉ tiện lợi mà còn giúp hấp thụ đầy đủ hơn các chất dinh dưỡng trong kỷ tử, phát huy tác dụng chữa bệnh của nó. Zhang Xichun, một bác sĩ nổi tiếng, từng viết nhai một nắm quả kỷ tử trước khi đi ngủ có tác dụng điều hòa âm dương trong cơ thể, giải khát, bồi bổ cơ thể, bổ khí, kéo dài tuổi thọ. Mỗi ngày nên dùng khoảng 10 gam, tương đương một nắm tay.

Ngoài việc nhai khô, ăn cháo kỷ tử cũng là cách tăng cường sức khỏe. Cách làm rất đơn giản. Khhi nấu cháo vào buổi sáng, bạn có thể cho một nắm kỷ tử vào nấu chung. Tương tự, lượng kỷ tử cho thêm vào cháo không nên quá 20 gam.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link