Cải xoong, hạt dẻ cười, mận khô hay tỏi… bổ sung nhiều vi khuẩn có lợi, mang lại hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Cải xoong, hạt dẻ cười, mận khô hay tỏi… bổ sung nhiều vi khuẩn có lợi, mang lại hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

1. Cải xoong

Ảnh: Wickedleeks
Ảnh: Wickedleeks

Trong y học cổ truyền, cải xoong là một loại thực phẩm đã được sử dụng để giải quyết các vấn đề về tiêu hóa. Loại rau này ít calo và là nguồn chất xơ tự nhiên, một chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa. Dữ liệu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy tiêu thụ cải xoong và các loại rau họ cải khác có thể giúp thay đổi tích cực hệ vi sinh vật đường ruột, giúp đường ruột có sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn “tốt”, có thể hỗ trợ sức khỏe miễn dịch và chống lại viêm nhiễm mãn tính cấp thấp.

Nhưng điều khiến loại rau này trở nên đặc biệt có lợi cho sức khỏe đường ruột là do việc tiêu thụ các loại rau họ cải, như cải xoong, có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

2. Hạt dẻ cười (quả hồ trăn)

Ảnh: Bebeautiful
Ảnh: Bebeautiful

Hạt dẻ cười là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh có nguồn gốc từ thực vật, 28 gam hạt dẻ cười chứa ba gam chất xơ. Dữ liệu cho thấy sự kết hợp giữa chất xơ và chất phytochemical có trong loại hạt này có thể tác động đến một phần của ruột kết, cuối cùng giúp điều chỉnh thành phần hệ vi sinh vật. Trong một nghiên cứu so sánh tác động của việc tiêu thụ hạt dẻ cười hàng ngày với hạnh nhân, hạt dẻ cười cho thấy tác dụng cao hơn hạnh nhân đối với hệ vi sinh vật đường ruột, làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi.

Sự kết hợp giữa chất xơ hỗ trợ sức khỏe đường ruột với chất béo lành mạnh và protein từ thực vật trong hạt dẻ cười giúp giảm lượng đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường.

3. Sữa chua từ nấm kefir

Kefir là một loại thức uống từ sữa lên men có chứa vi khuẩn axit lactic. Nó là nguồn vi sinh vật ăn được có thể điều chỉnh sức khỏe đường ruột một cách có lợi, thậm chí hỗ trợ điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh viêm ruột. Sản phẩm này có thể tác động tích cực đến sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và phát huy tác dụng chống viêm – hai khía cạnh hỗ trợ sức khỏe đường ruột.

Dữ liệu đã cho thấy sự gia tăng lượng vi khuẩn có lợi trong ruột sau khi tiêu thụ kefir thường xuyên. Vì vậy, để thu được những lợi ích từ thức uống lên men này, bạn nên uống nó hàng ngày. Cho thêm kefir vào sinh tố là một gợi ý không tệ.

4. Mận khô

Ảnh: Eater
Ảnh: Eater

Lý do mận khô rất phổ biến trong các viện dưỡng lão là bởi chúng rất tốt cho quá trình tiêu hóa. Một khẩu phần mận khô cung cấp ba gam chất xơ hòa tan và không hòa tan, có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa. Mận khô đã được chứng minh làm tăng đáng kể trọng lượng và tần suất phân. Một nghiên cứu đánh giá 40 đối tượng bị táo bón trong 8 tuần cho thấy rằng ăn 50 gram mận khô mỗi ngày (khoảng 4-6 quả mận khô) giúp cải thiện tính nhất quán và tần suất đại tiện so với việc tiêu thụ chất xơ psyllium.

Ngoài ra, dữ liệu được công bố trên tạp chí Thực phẩm và Chức năng cho biết ở những phụ nữ mãn kinh, sau 12 tháng ăn mận khô đều đặn, đều cho thấy sự phong phú của vi khuẩn thuộc họ Lachnospiraceae, cũng như giảm vi khuẩn Clostridium sensu stricto 1 – được coi là vi khuẩn gây bệnh. Lachnospiraceae là một nhóm vi khuẩn sản xuất axit béo chuỗi ngắn và có liên quan đến việc duy trì tính toàn vẹn của hàng rào ruột cùng khả năng làm giảm các dấu hiệu viêm trong cơ thể.

5. Chuối

Giống như nhiều loại trái cây, chuối cung cấp chất xơ – chất dinh dưỡng siêu thực phẩm có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa và hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh thông qua nhu động ruột thường xuyên. Nếu bạn đặc biệt thích ăn một quả chuối hơi chín (những quả có vỏ hơi xanh), hãy biết rằng bạn đang được tăng cường chất xơ prebiotic. Prebiotic đóng vai trò là “nhiên liệu” cho vi khuẩn sinh học, giúp hỗ trợ sức khỏe hệ vi sinh vật của bạn một cách quan trọng.

Một nghiên cứu đã đánh giá 34 phụ nữ khỏe mạnh, trong đó một nửa số đối tượng được hướng dẫn ăn nhẹ hai lần một ngày trước bữa ăn bằng một quả chuối cỡ vừa, một cốc đồ uống có hương vị chuối hoặc một cốc nước. Kết quả cho thấy những người ăn chuối đã tăng lượng vi khuẩn “có lợi” trong ruột cũng như giảm mức độ đầy hơi.

6. Tỏi

Ngoài tăng thêm hương vị cho món ăn, tỏi còn là một loại thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa. Cùng với việc mang lại hương vị mạnh mẽ, tỏi cũng cung cấp các thành phần prebiotic, hợp chất kháng khuẩn và hợp chất lưu huỳnh có thể giúp hỗ trợ sức khỏe theo những cách độc đáo. Tác dụng của prebiotic đã được chứng minh cụ thể là hỗ trợ sự phát triển của chủng vi khuẩn probiotic acidophilus, có lợi cho những người bị tiêu chảy.

Kết quả một nghiên cứu đánh giá nhóm nhỏ phụ nữ trong hơn hai tháng cho thấy việc tiêu thụ tỏi có liên quan đến những thay đổi tích cực trong hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt là ở những đối tượng mắc bệnh béo phì.

Tỏi cũng là một sự bổ sung tuyệt vời cho các món ăn nếu bạn muốn giảm lượng natri nạp vào, vì thành phần này có thể làm cho công thức nấu ăn của bạn có hương vị thơm ngon mà không cần nạp thêm muối.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link