Thật khó có thể hình dung đến một ngày cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả đời tư lẫn chuyện công việc, đã chuyển sang và bị chi phối bởi điện thoại thông minh cũng như các thiết bị công nghệ khác như hiện nay. Chúng khiến ta dễ dàng bị phân tâm và gián đoạn trong công việc hàng ngày. Mặc dù con người đã thích nghi với tình trạng này song ngày càng nhiều chuyên gia cho biết mất tập trung đang bào mòn khả năng tập trung của con người.
Từ năm 2005, Tiến sĩ Glenn Wilson của Viện Tâm thần học London đã phát hiện những xao lãng xảy ra liên tục tại nơi làm việc có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình tập trung. Nghiên cứu của ông cho thấy những người thường xuyên bị phân tâm bởi các email, cuộc gọi điện thoại bị giảm đến 10 điểm IQ, nhiều gấp đôi tác động của cần sa. Hơn 50% trong số 1.100 người người tham gia khảo sát của Tiến sĩ Wilson cho biết họ luôn trả lời email ngay lập tức hoặc càng sớm càng tốt, trong đó 21% thừa nhận hành động của mình có thể làm gián đoạn các cuộc họp. Sự phân tâm liên tục có các tác hại tương tự của việc mất ngủ về đêm.
Trước khi xuất bản cuốn sách “The Shallows: What the Internet Is Doing to Our Brains”, tác giả Nicholas Carr từng viết trong một bài báo trên tờ The Atlantic: “Việc đắm mình vào một cuốn sách hay một bài báo dài từng là một chuyện dễ dàng”.
“Tâm trí của tôi thường bị cuốn vào những câu chuyện hay những lập luận, và tôi thường dành hàng giờ đồng hồ cho các đoạn văn xuôi như thế. Nhưng giờ đây, điều đó hiếm khi xảy ra. Chỉ sau hai đến ba trang sách, sự tập trung của tôi dần biến mất. Tôi trở nên bồn chồn, mất mạch lạc và bắt đầu tìm kiếm việc gì khác để làm. Tôi cảm thấy như thể tôi luôn phải kéo bộ não bướng bỉnh của mình để nó ở lại với những văn bản. Đọc sâu vốn từng đến một cách tự nhiên thì nay trở thành một sự đấu tranh”, tác giả chia sẻ thêm.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác động của việc mất tập trung đến năng suất làm việc của con người có thể nói là “thê thảm”. Trung bình, cứ 8 phút một lần tương đương 7-8 lần mỗi giờ chúng ta lại bị phân tâm. Trong 8 tiếng làm việc mỗi ngày, số lần mất tập trung của mỗi người là khoảng 60 lần. Mỗi lần mất tập trung kéo dài khoảng 5 phút, như vậy sự xao nhãng lấy mất của chúng ta 5 tiếng đồng hồ vốn để dành cho công việc. Nếu mất đến 15 phút để tập trung trở lại với công việc, điều đó có nghĩa chúng ta chưa từng tập trung tốt.
Tháng 8/2018, theo nghiên cứu của Ofcom, Cơ quan Giám sát truyền thông Anh, trung bình cứ 12 phút trừ thời gian ngủ, chúng ta lại kiểm tra điện thoại của mình. 71% người nói rằng họ không bao giờ tắt điện thoại và 40% cho biết 5 phút một lần, họ lại kiểm tra điện thoại.
Cả hai mạng xã hội Facebook và Instagram đều tuyên bố họ đang phát triển những chức năng giúp hạn chế thời gian sử dụng, đáp lại tuyên bố dành thời gian cho mạng xã hội quá mức có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe thần kinh.
Ngoài ra, một hiện tượng được gọi là “chú ý cục bộ liên tục” (Continuous partial attention) – hay CPA – cụm từ này được đưa ra bởi Linda Stone, cựu cố vấn của Apple và Microsoft. CPA được dùng để mô tả hiện tượng con người trong trạng thái tỉnh táo liên tục cảm nhận thế giới xung quanh nhưng không tập trung chú ý vào bất cứ thứ gì, và chúng ta áp dụng một thói quen này ở mọi lúc, mọi nơi. Trong ngắn hạn, ta có thể thích ứng tốt với nhu cầu này nhưng về lâu dài, các hormone gây căng thẳng sẽ tạo ra một trạng thái sinh lý cảnh giác cao độ, khiến các giác quan luôn tìm kiếm sự kích thích ở môi trường xung quanh mà không thể chú tâm vào một việc.