Scarlett Johansson: Vào vai gợi tình từ khi còn… tuổi “teen”
Nữ diễn viên Hollywood – Scarlett Johansson (36 tuổi) vừa chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng cô cảm thấy mình bị “đóng đinh” trong những dạng vai có nét gợi tình từ khi còn ít tuổi. Từ khi còn chưa bước qua tuổi thành niên, cô đã luôn được giao những vai có nét gợi cảm.
Scarlett Johansson có cú đột phá trong sự nghiệp khi xuất hiện trong bộ phim “Lost in Translation” (Lạc lối ở Tokyo – 2003), khi ấy, cô mới 18 tuổi. Trước đó, Scarlett Johansson đã được đóng chính trong một số bộ phim, bắt đầu từ vai Manny trong “Manny & Lo”, khi ấy cô mới 12 tuổi.
Nhìn lại chặng hành trình diễn xuất của mình, Scarlett Johansson cho rằng cô đã bị giao những vai có yếu tố gợi tình kể từ khi còn ở lứa tuổi teen và điều này vẫn còn tiếp diễn mãi về sau, khiến cô bị xem là một trong những nữ diễn viên “biểu tượng sex” ở Hollywood.
Trong cuộc trò chuyện với tờ tin tức The Sun, Scarlett Johansson đã nói: “Khi tôi còn là một nữ diễn viên tuổi teen, tôi đã luôn được giao những vai có tính chất gợi tình, ở thời điểm bấy giờ, người ta dễ chấp nhận điều ấy.
Thuở ấy, dù nhân vật của tôi chẳng có gì cần phải gợi tình, thì tạo hình hay định hướng diễn xuất cho tôi vẫn luôn bị hướng theo cách đó, những người nảy ra ý tưởng dạng này luôn là các đạo diễn nam”.
Hiện tại, Scarlett Johansson đang được nhắc tới nhiều với vai diễn Góa phụ đen Natalie Rushman trong “Black Widow” (2021). Bộ phim siêu anh hùng này được xem như một biểu hiện tích cực của nền công nghiệp làm phim Hollywood, khi các hãng phim đã dành sự quan tâm xứng đáng hơn cho những bộ phim kinh phí lớn xoay quanh nhân vật nữ.
Dù vậy, Scarlett Johansson vẫn chia sẻ thẳng thắn rằng cô từng rất khó chịu với cách khai thác “gợi tình hóa” nhân vật Góa phụ đen trong “Iron Man 2” (2010). Đó là khi nhân vật Góa phụ đen lần đầu xuất hiện trong thế giới điện ảnh của Marvel.
“Dù “Iron Man 2” rất hài hước và có nhiều khoảnh khắc tuyệt vời, tôi vẫn nhận thấy nhân vật Góa phụ đen đã bị gợi tình thái quá. Các nhân vật khác nói về cô ấy khá thiếu tôn trọng, như thể cô ấy là một món đồ, một món hàng, một vật để sở hữu, những gì người ta nói về cô ấy toàn là về vẻ đẹp thể xác. Ở thời điểm ấy, những lời lẽ như vậy có thể được xem như những lời khen.
Nhưng tôi hiểu rằng giá trị thực sự của một con người không phải được đo đếm bằng những lời khen kiểu như vậy, nhưng cũng như nhiều phụ nữ trẻ khác, tôi từng né tránh những xung đột về quan điểm kiểu như vậy, tôi thu mình lại trước những lời lẽ như thế và âm thầm tự xác định giá trị của bản thân”, Scarlett Johansson chia sẻ.
Scarlett Johansson cũng ghi nhận rằng về sau, nhân vật Góa phụ đen được đầu tư xây dựng về chiều sâu, không còn đơn thuần là một nhân vật được nhấn mạnh nhất ở vẻ gợi cảm nữa, những chi tiết gợi tình hóa nhân vật cũng bị loại bỏ đi nhiều.
Natalie Portman: Mãi ám ảnh vì vai diễn mang tính dục năm 13 tuổi
“Léon: The Professional” (1994) là bộ phim đầu tiên mà Natalie Portman tham gia diễn xuất. Khi ấy, Portman mới 11 tuổi, bộ phim kể về hành trình luyện tập để trở thành sát thủ của cô bé Mathilda dưới sự huấn luyện của một sát thủ đích thực – Léon. Bộ phim này khá gây tranh cãi trong sự nghiệp của đạo diễn Luc Besson.
Vai diễn đòi hỏi nhiều sự trưởng thành vượt tuổi trong diễn xuất của Portman. Có những cảnh đòi hỏi phải hút thuốc, có nhiều cảnh bạo lực không thích hợp với tâm lý lứa tuổi. Portman đã đưa lại một màn diễn xuất ấn tượng dù đây là vai diễn đầu tiên của cô.
Khía cạnh gây tranh cãi nhất trong bộ phim chính là những ẩn ý về mối quan hệ tình cảm giữa cô bé Mathilda và Léon – người đàn ông trung niên làm nghề sát thủ, đang bảo vệ và huấn luyện cho cô. Trong những cảnh phim bị cắt để phim có thể ra rạp tại một số quốc gia, có cảnh Mathilda và sát thủ Léon cùng đi vào một nhà hàng và Mathilda uống rượu tới mức say xỉn.
Trong lúc say, Mathilda đã nhiều lần muốn hôn sát thủ Léon. Về sau, khi đã ở tuổi trưởng thành, Portman chia sẻ rằng cô từng bị khủng hoảng sau bộ phim này. Sau khi phim ra mắt, cô rất phấn khích khi nhận được thư của fan hâm mộ, nhưng trong một lá thư, một người đàn ông đã “sáng tác” nên một câu chuyện giả tưởng về việc ông ta trở thành người tình của nhân vật Mathilda thế nào…
Lá thư “rùng rợn” đó đã khiến Portman ở tuổi 13 cảm thấy sốc hơn cả bộ phim gây sốc mà cô vừa tham gia diễn xuất. Trải nghiệm đó đã vĩnh viễn thay đổi cách nhìn của Portman về điện ảnh và nghề diễn.
Portman cho biết kể từ sau khi nhận được lá thư “kinh dị” đó của… fan, cô đã quyết định thay đổi cách lựa chọn vai diễn, kể từ sau đó, cứ vai diễn nào có cảnh hôn, cảnh nhạy cảm là Portman từ chối, cô sợ những vai diễn sẽ khiến mình bị nhìn nhận như một dạng “biểu tượng sex”.
“Tôi biết rằng nếu mình tiếp tục thể hiện bản thân qua những vai diễn có nhiều tính dục, tôi sẽ còn cảm thấy bất an, người ta sẽ còn được quyền bàn luận, đánh giá, xét đoán về tôi”, Portman từng nói.
Portman cho biết tới giờ, cô không cảm thấy hối tiếc về quyết định của mình năm xưa, cô khẳng định rằng sự dứt khoát khi đó là việc cần phải làm để cô cảm thấy yên tâm hơn: “Ở tuổi 13, bài học rút ra đối với tôi đã rất rõ ràng. Tôi cảm thấy cần phải che chắn cơ thể mình, phải cẩn thận với cách biểu cảm và làm nghề của mình, để mình được nhìn nhận đúng theo cách mà mình mong muốn”.
Maria Schneider: Bị tấn công tình dục trên phim trường năm 19 tuổi
Trải nghiệm bị tấn công tình dục trên phim trường “Last Tango In Paris” (Bản tango cuối cùng ở Paris – 1972) đã vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời của nữ diễn viên Maria Schneider từ năm cô mới 19 tuổi.
19 tuổi đã là tuổi trưởng thành, nhưng vẫn chưa phải độ tuổi mà người ta đã có đầy đủ sự vững vàng. Trải nghiệm bị tấn công tình dục trên phim trường “Last Tango In Paris” (Bản tango cuối cùng ở Paris – 1972) đã vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời của nữ diễn viên Maria Schneider từ năm cô mới 19 tuổi.
“Bản tango cuối cùng ở Paris” xoay quanh một người đàn ông Mỹ góa vợ bắt đầu một mối quan hệ tình ái với một cô gái trẻ ở Paris, hai người đến với nhau và “yêu” nhau cuồng nhiệt nhưng không hề biết ngay đến cả cái tên của nhau, để rồi khi sự mơ hồ trong mối quan hệ bị phá vỡ, thì bi kịch xảy đến.
Phim có nhiều cảnh nóng khá sống sượng, thậm chí bạo lực, với những cơn bão cảm xúc của hai nhân vật chính. “Bản tango cuối cùng ở Paris” từng gây ra nhiều tranh cãi khi ra mắt. Khi đem chiếu ngoài rạp ở các nước, phim thường bị cắt những cảnh trần trụi nhất và cũng thường cấm người dưới 17 tuổi.
Lúc sinh thời, nữ diễn viên Maria Schneider từng cho biết cô đã rơi vào khủng hoảng sau khi xuất hiện trong bộ phim này, việc bị tấn công tình dục trong phim đã khiến cuộc đời cô trở nên tồi tệ.
Trong một cảnh “nóng”, nhân vật của Maria Schneider bị nhân vật của Marlon Brando tấn công tình dục, điều đáng nói là ban đầu cảnh phim này không có trong kịch bản, trước khi thực hiện cảnh bất ngờ phát sinh ấy, Schneider chỉ được đạo diễn thông báo qua loa rồi phải diễn luôn mà không có sự chuẩn bị hay thương lượng cụ thể.
Khi đó, Schneider còn quá trẻ, mới “chân ướt chân ráo” bước vào nghiệp diễn, lại được nhận ngay vai nữ chính có sức nặng, Schneider đành “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận sự việc sẽ ám ảnh cô mãi về sau.
Trong cảnh đó, nhân vật của cô phải thể hiện sự phản kháng, sự bất lực, sự uất ức. Để đạt được những hiệu ứng ấy một cách chân thực nhất, đạo diễn Bernardo Bertolucci và nam diễn viên Marlon Brando đã bàn bạc với nhau về cách thức tiến hành, nhưng tuyệt đối không nói trước với Maria Schneider, họ chỉ nói một cách qua loa khi thời gian đã sát nút.
Thực hiện xong cảnh phim gây bàng hoàng và bẽ bàng ấy, Maria Schneider đã khóc. Schneider từng nói: “Diễn xong, Marlon Brando nói với tôi rằng: Maria, đừng lo, đó chỉ là phim thôi. Nhưng trong cảnh ấy, dù rằng những gì Marlon làm với tôi không phải là thật, thì những giọt nước mắt của tôi là thật. Tôi cảm thấy bẽ bàng và nói thật, tôi thấy như thể mình bị cưỡng bức thực”.
Khi tham gia bộ phim, Maria Schneider mới 19 tuổi. Về sau, sự nghiệp và cuộc sống riêng của nữ diễn viên gặp nhiều bất hạnh. Cô từng rơi vào cảnh nghiện ngập, tự tử hụt vài lần và sau đó phải vào chữa trị trong bệnh viện tâm thần hồi năm 1976.
Vai diễn trong “Bản tango cuối cùng ở Paris” là vai diễn đáng kể nhất trong sự nghiệp của cô, dù vậy, lại là vai diễn để lại nhiều ký ức buồn bã nhất.
Vai diễn này khiến Schneider bị ám ảnh dài lâu và cô cũng không thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của vai diễn “nặng ký” ấy, thậm chí, Schneider còn cho rằng những bi kịch xảy đến trong cuộc đời cô một phần là do ảnh hưởng từ bộ phim.